Gắn trách nhiệm nhà thầu với chất lượng công trình
- Thứ sáu - 29/07/2016 06:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Hầu hết các dự án hạ tầng giao thông hoàn thành đều đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình, dự án cục bộ có tồn tại về chất lượng. Do vậy, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng xây dựng công trình là hết sức cần thiết, hướng tới mục tiêu tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, chất lượng, bền vững để phục vụ xã hội”.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại hội thảo “Quản lý chất lượng công trình hạ tầng giao thông đường bộ” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 28/7 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng công trình giao thông; trong đó, xác định vai trò của các chủ thể thực hiện dự án là yếu tố cơ bản trong việc bảo đảm chất lượng công trình, Bộ Giao thông Vận tải định hướng siết chặt trách nhiệm của các đơn vị bằng việc ban hành các chế tài như nâng cao thời hạn bảo hành công trình; công khai năng lực của các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu… nhằm tạo động lực để các chủ thể hướng tới tự hoàn thiện và nâng cao ý thức, trách nhiệm.
Về những khó khăn ảnh hưởng đến công tác quản lý chất lượng công trình, ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nhiều quy định, chính sách trong quản lý hoạt động xây dựng chưa hoàn thiện. Chẳng hạn, như Luật Đấu thầu chưa quy định cụ thể vấn đề đánh giá năng lực chung của một nhà thầu khi đồng thời tham gia nhiều gói thầu cùng một hoặc nhiều dự án…
“Ngoài ra, công tác tổ chức bộ máy quản lý ở một số dự án chưa hiệu quả chưa hình thành hệ thông quản lý, kiểm soát chất lượng tối ưu. Bố trí nhân lực cho quản lý thi công chưa hợp lý theo yêu cầu tiến độ, chất lượng thực hiện dự án… cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý chất lượng dự án”, ông Dương Viết Roãn cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo chất lượng xây dựng công trình công cộng tại Nhật Bản, ông Matsuno, Chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá, việc lựa chọn nhà thầu xây dựng rất quan trọng trong đảm bảo chất lượng công trình. Vì thế, ở Nhật Bản hình thức đấu thầu rộng rãi được áp dụng trong việc lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình.
Hiện ở Nhật Bản hệ thống lựa chọn dựa trên chất lượng và chi phí (QCBS) được sử dụng thường xuyên đảm bảo nâng cao chất lượng. Đặc biệt, yếu tố sử dụng công nghệ mới rất quan trọng cho công tác nâng cao chất lượng. Vì thế, Nhật Bản khuyến khích sử dụng công nghệ mới trong thủ tục đấu thầu…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Dương Viết Roãn khẳng định, để từng bước giải quyết khó khăn, hoàn thành các dự án bảo đảm chất lượng, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, có giải pháp nâng cao năng lực của các Ban quản lý dự án; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn; nghiên cứu áp dụng công nghệ trong quản lý dự án. Đặc biệt, chú trọng tới khâu lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến xây lắp….
Đối với công tác quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Dương Viết Roãn cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án.
Cùng với đó nâng cao chất lượng đấu thầu, hình thức đấu thầu, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt để bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả kinh tế…