Gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp ở Nam Định

Gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp ở Nam Định
Là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định, đến nay, huyện Xuân Trường đã có 12 trên tổng số 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, 5 xã khác của huyện đã hoàn thành các tiêu chí, chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn.

Xây dựng nông thôn mới tại huyện Xuân Trường nói riêng cũng như tỉnh Nam Định nói chung, có sự gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó, giúp đời sống người dân có những bước cải thiện đáng kể.

Quảng trường và Tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh tại thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). 

Khung cảnh trù phú, yên bình với những người nông dân tần tảo, chịu thương chịu khó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định). Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, đã sinh ra nhiều người con ưu tú trong đó có Tổng Bí thư Trường Chinh. Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, xã Xuân Hồng cũng như huyện Xuân Trường đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Con đường dẫn từ trung tâm huyện Xuân Trường về xã Xuân Hồng đã được trải nhựa láng mịn. Đi trên đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp, nhìn những ngôi nhà cao tầng bề thế, chúng tôi có thể cảm nhận được cuộc sống ấm no hơn của người dân nơi đây. Nói về những đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Ngọc Ký, người dân làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường bày tỏ: "Đời sống của người dân ngày càng khấm khá. Thu nhập được nâng lên giúp các gia đình có điều kiện sửa sang nhà cửa, lo cho con cái ăn học, đồng thời, bà con cũng góp công, góp của, xây dựng làng xóm khang trang hơn".

Đa phần người dân xã Xuân Hồng vẫn gắn bó với đồng ruộng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Để khắc phục tình trạng ruộng đất bỏ hoang, manh mún, xã Xuân Hồng chú trọng thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo cơ sở để ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Theo ông Phan Thế Vinh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Hồng, vụ lúa năm nay xã chủ trương gieo sạ thay cho cấy, hiện đã đạt được 90% toàn diện tích trồng lúa của xã, nhờ đó đã giải phóng sức lao động cho người nông dân, giúp cho khâu thu hoạch sau này thuận lợi hơn. Nhiều khâu trong quy trình trồng lúa đã được cơ giới hóa từ làm đất, cày bừa đến thu hoạch. Năng suất lúa của xã Xuân Hồng tiếp tục giữ ổn định ở mức cao, đạt hơn 120 tạ/ha. Đáng chú ý, địa phương dành nhiều diện tích trồng các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cuối năm 2016, xã Xuân Hồng là một trong 5 xã của huyện Xuân Trường đón đoàn thẩm định của tỉnh Nam Định về kiểm tra và đang hoàn thiện các thủ tục để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của địa phương đó là sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao. Hiện tại, trên địa bàn xã Xuân Hồng, Tập đoàn Vingroup đã đầu tư dự án sản xuất rau sạch với diện tích 140ha, đã cho thu hoạch với năng suất từ 7 đến 10 tấn rau/ngày. "Dự án đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập khá. Giúp người dân ổn định công việc, yên tâm gắn bó với đồng ruộng", ông Phan Thế Vinh đánh giá. Từ mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường khuyến khích các xã, hợp tác xã trên địa bàn phát triển theo hướng này. "Huyện Xuân Trường chú trọng cho các xã học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhân rộng trong toàn huyện. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhằm đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn khoảng 13%, công nghiệp-xây dựng đạt hơn 57%, dịch vụ hơn 29% trong năm 2017", ông Bùi Văn Hảo, Bí thư Huyện ủy huyện Xuân Trường cho biết. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Xuân Trường cũng khuyến khích các địa phương tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuê đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trên địa bàn huyện đã hình thành 125 vùng cánh đồng lớn tại các xã như: Xuân Phương, Xuân Thượng, Xuân Kiên, Xuân Vinh...

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới. Hiện tại, tỉnh đã có 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, để hoàn thành mục tiêu đề ra, như nhìn nhận của lãnh đạo tỉnh, cần phải có thêm những giải pháp đột phá. Theo đồng chí Trần Văn Trung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, tỉnh đang tích cực triển khai chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, bởi muốn phát triển nông nghiệp không thể làm từng thửa ruộng nhỏ lẻ. "Người dân trồng lúa trên diện tích một sào Bắc Bộ, mỗi vụ giá trị mang lại chỉ 2 triệu đồng, chi phí đã mất đến 1,8 triệu đồng, hiệu quả không cao. Để có cánh đồng lớn, cách làm của tỉnh là vận động người dân góp đất và cho thuê chứ không chuyển nhượng. Đất vẫn của dân, được quản lý, sử dụng tốt hơn, đầu tư khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, chất lượng", đồng chí Trần Văn Trung chia sẻ.

Với sự ủng hộ, góp sức của người dân cùng những giải pháp thiết thực, vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, phong trào xây dựng nông thôn mới hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Nam Định, giúp người dân có cuộc sống ấm no trên chính quê hương mình.

Theo MẠNH HƯNG/qdnd.vn