Gạo Việt Nam: Cần một chiến lược dài hơi
- Thứ ba - 13/11/2012 19:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có một thực tế rất đáng suy nghĩ là về giá trị thì gạo Thái vẫn chiếm ưu thế. Thông tin trên báo The Nation (Thái Lan) cho thấy một tấn gạo trắng 5% tấm của Thái Lan bán với giá 570 USD khi gạo Việt Nam chỉ bán được 490 USD. Theo cách tính này, Thái Lan vẫn là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu với doanh số 3,5 tỉ USD, Việt Nam theo sau với 2,45 tỉ USD. Như vậy, bài toán "giá trị thặng dư" của gạo Việt vẫn còn quá nan giải đối với Nhà nước.
Thực tế hiện nay gạo Việt Nam không khác biệt quá xa so với gạo Thái. Thậm chí, tính đến hết tháng 5-2012, gạo thơm và gạo cao cấp Việt Nam chiếm 35% thị phần Hongkong (Trung Quốc) đạt 40,4 triệu USD và được dự báo có thể lên đến 60%, thay thế gạo Thái Lan ở thị trường này. Đó là chưa kể gạo Thái Lan gặp nhiều khó khăn do chính sách trợ giá của chính phủ. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn trên, gạo Thái vẫn nằm ở mức thặng dư cao. Điều đó chứng minh giá trị hạt gạo không bị quyết định hoàn toàn bởi những yếu tố ngoại cảnh, mà là chính sách mua - bán trong xuất nhập khẩu theo cơ chế cung - cầu của thị trường.
Nghị định về "Kinh doanh Xuất khẩu gạo" (số 109/2010/NĐ-CP) trong thời gian qua cũng có nhiều ưu điểm nhất định. Cơ chế quản lý có thể huy động gạo tập trung hướng đến mục tiêu co hẹp các cửa xuất khẩu nhằm giữ uy tín, chất lượng gạo Việt. Tuy nhiên, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo dường như quá "khắc nghiệt" khi phải đáp ứng cả ba điều kiện: i) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; ii) Có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn theo quy định; iii) Có ít nhất một cơ sở xay, xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thêm vào đó, Nghị định này còn yêu cầu "doanh nghiệp phải dự trữ tối thiểu 10% lượng gạo đã xuất khẩu sáu tháng trước đó". Chưa bàn đến sự thiếu hợp lý từ yêu cầu dự trữ tối thiểu 10% (vì vấn đề an ninh lương thực là nhiệm vụ của Cục Dự trữ quốc gia) thì Nghị định 109 có những bất cập.
Thu mua lúa ở Đồng Tháp. Ảnh Lê Hoàng Vũ |
Thứ nhất, gạo Việt Nam liên tục rớt giá do thiếu "cửa ra". Cơ chế ràng buộc các nhà xuất khẩu tư nhân trước các đơn hàng xuất khẩu khiến lượng gạo trong nước trở nên thừa thãi do đầu ra chỉ dựa vào hai cửa "Bắc - Nam" là chủ yếu. Tháng 8-2011, khi Nghị định 109 chuẩn bị chính thức có hiệu lực, Phó giám đốc Sở Công thương Long An, ông Nguyễn Xuân Hồng lo ngại rằng Long An hiện có nhiều doanh nghiệp công suất kho 40.000 tấn phải đối diện với thực trạng "nhường đơn hàng sang cho doanh nghiệp khác" do thiếu hệ thống sấy và gặp khó khăn khi thuê mặt bằng và vốn. Trái lại, một số doanh nghiệp "đại gia" ngành lúa gạo sẽ "cố đấm ăn xôi" trong cuộc chạy đua xin giấy phép bằng cách tung ra lượng tiền lớn để trang bị cơ sở vật chất, mặt bằng, vốn nhằm thâu tóm các đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhỏ.
Bàn về tính thực tế của Nghị định 109, đại diện Công ty Lương thực, thực phẩm Kiên Giang cho rằng Nghị định chưa theo sát với thực tế. Đơn vị này chỉ ra rằng nếu quy chiếu theo Nghị định 109, nhiều doanh nghiệp tuy không đảm bảo tính "cơ sở nhà xưởng khép kín" mà vẫn đảm bảo hiệu quả chế biến, cơ sở vật chất, vận chuyển gạo... thì vẫn bị loại khỏi cuộc chơi. Như thế, không chỉ các doanh nghiệp "có 5-7 tấn mang đi xuất khẩu" mới lâm vào cảnh "dẹp tiệm", mà những doanh nghiệp có công suất kho lớn, thậm chí là có đủ cơ sở vật chất, quy trình sản xuất vận chuyển... cũng phải chịu thiệt thòi do chưa đảm bảo được yêu cầu cao từ Nghị định 109 đưa ra. Như vậy, lượng tồn kho gạo tăng do thiếu cửa ra sẽ tỷ lệ nghịch với giá gạo, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của hạt gạo nội địa với hạt gạo của các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, quyền lợi của người nông dân chưa được chia sẻ. Nghị định 109 vô tình tạo nên cơ chế độc quyền cho một số "đại gia" ngành lúa gạo. Điều này mang về cho họ một khoản lời lớn trong khi nhà nông vẫn bị cái nạn "nông nghiệp giá rẻ" bám đuôi do bị ép giá vì cung vượt quá cầu. Nghịch lý "trúng mùa mất giá" vẫn đang tồn tại như nỗi ám ảnh của bà con nông dân. Ngay cả bản dự thảo về Quy chế thu mua tạm trữ lúa gạo hỗ trợ nông dân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra bàn hồi tháng 8-2012 cũng chỉ dừng ở lợi ích tối thiểu "người nông dân đảm bảo có lời 30%". Trong khi đó, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thì "dù Nhà nước đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân là 100% thì họ cũng không khá lên được".
Thứ ba, Nghị định 109 còn phần nào làm hạn chế tính tự do hóa thương mại trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh vị thế trong sân chơi WTO. Tính "cận độc quyền" trong xuất khẩu khiến uy tín Việt Nam không chỉ mất dần mà còn che lấp rất nhiều các cơ hội đổi đời cho gạo Việt Nam cũng như những hộ gia đình "hai lúa" thông qua các hợp tác quốc tế. Hiện nay, gạo Việt Nam đang đứng trước nguy cơ "ra rìa" trước các đối thủ trong và ngoài khu vực. Việc Việt Nam bị ra rìa ở Hiệp hội Lúa gạo tư nhân ba nước Thái Lan, Philippines, Myanmar vừa qua là một bài học đáng nhớ cho sự bất cân xứng về chính sách xuất khẩu. Trong WTO, trong khi ba nước Thái Lan, Philippines, Myanmar và nhiều nước khác đang hướng đến tự do hóa xuất khẩu gạo của tư nhân thì khu vực xuất khẩu gạo tư nhân của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế từ Nghị định 109.
Chưa dừng ở đó, ngày 19-10-2012 vừa qua, tờ The Nation đưa tin Thái Lan có kế hoạch hợp tác với Myanmar và các nhà sản xuất gạo trên thế giới nhằm nâng cao khả năng thương lượng của các nước ASEAN, đồng thời tăng giá trị hạt gạo trên thị trường thế giới. Thái Lan muốn dựa vào uy tín các hiệp hội để tăng thặng dư hạt gạo thông qua các biện pháp chia sẻ, tăng tính lan tỏa về khoa học kỹ thuật của gạo Thái đến các quốc gia có tiềm năng như Myanmar. GS Võ Tòng Xuân nhận định "...điều đầu tiên các nhà nhập khẩu thường làm là đánh giá uy tín nhà xuất khẩu. Họ thường chọn hợp tác với tập thể hơn là nhà xuất khẩu đứng một mình". Trong khi đó, sáng kiến liên minh lúa gạo Việt Nam - Myanmar hay việc hỗ trợ châu Phi phát triển lúa gạo trong tương lai vẫn chưa được Việt Nam xúc tiến mạnh mẽ, thậm chí nhiều ý kiến trái chiều đánh giá "dẫn đàn đi buôn".
Xét trên khía cạnh hợp tác liên chính phủ hay hợp tác tư nhân thì Hiệp hội lúa gạo giữa các nước ASEAN đều đi đến mục tiêu cuối là đảm bảo chuỗi cung ứng lúa gạo cho khu vực và toàn thế giới, góp phần tăng sản lượng lẫn giá trị hạt gạo, thoát khỏi ám ảnh gạo giá rẻ. Ở hiệp hội này, Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Chính Giám đốc điều hành Công ty Agrow Enterprise ở Bangkok (Thái Lan), ông Chiaki Furi nhận định rằng cần phải có sự góp mặt của Việt Nam trong Hiệp hội gạo ASEAN. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ cơ chế độc quyền xuất khẩu thì việc gia nhập hiệp hội lúa gạo của Việt Nam sẽ trái với cơ chế điều hành, quản lý; ảnh hưởng uy tín chung của cả hiệp hội. Thế nên việc sử dụng yếu tố "tư nhân" nhằm "loại khéo" Việt Nam không đơn thuần xuất phát từ tính cạnh tranh, mà là vì lợi ích chung lâu dài của cả hiệp hội khu vực.
Nếu xét tính ngắn hạn lẫn dài hơi, yêu cầu thặng dư hạt gạo vẫn là kỳ vọng hàng đầu của Việt Nam. Muốn thế, cần "thông nòng" để các chính sách mang tính thực tế với người nông dân lẫn doanh nghiệp trong nước; bôi trơn các vấn đề xuất khẩu phù hợp với tự do hóa thương mại; đồng thời tăng cường tính liên kết với các nước nhằm hướng đến việc phát triển cân xứng, đồng bộ cho thị trường lúa gạo nước nhà.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần