Gạo hữu cơ Đồng Phú hướng tới xuất khẩu bền vững

Hiện, gạo hữu cơ Đồng Phú đã xuất sang nhiều quốc gia và được người Việt tin tưởng, lựa chọn.
tr14d.JPG
Bà Nguyệt giới thiệu sản phẩm lúa hữu cơ.

Sau khi một nhóm nông dân xã Đồng Phú (Chương Mỹ - Hà Nội) canh tác theo nguyên tắc hữu cơ Pamci, phương pháp SRI của Nhật Bản và Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành công, năm 2017, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú ra đời. Hiện, gạo hữu cơ Đồng Phú đã xuất sang nhiều quốc gia và được người Việt tin tưởng, lựa chọn. 

Canh tác thành công lúa hữu cơ Pamci  

Chị Lê Thị Hoà cho biết, gia đình chị là 1 trong 10 người xung phong tham gia canh tác thử nghiệm sản xuất lúa hữu cơ, trên diện tích 2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), theo phương pháp SRI (Hệ thống canh tác lúa cải tiến), từ khâu gieo mạ đến lúc hoàn thành hạt gạo để đóng gói.

Thu hoạch vụ đầu tiên chỉ đạt 1,8-2 triệu đồng/sào/2 vụ/năm (1 sào Bắc Bộ = 360m2) do lúc này mới bắt đầu chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ. Năm 2013, địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, chị thuê thêm ruộng, nâng tổng diện tích lên 3 mẫu, thu nhập tăng lên 3,5 triệu đồng/sào (2 vụ/năm).

“Cao nhất là năm 2018, đạt xấp xỉ 4 triệu đồng/sào/vụ (2 vụ/năm), doanh thu trên 100 triệu đồng. Năm 2019, mới thu hoạch vụ xuân, nhưng đã đạt 50 triệu đồng. Hiện, gạo xát “dối”, gạo lứt Đồng Phú cung cấp ra thị trường với giá 38.000 đồng/kg; bán cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa tươi, tại ruộng 15.000 đồng/kg, gấp 3 lần giá lúa canh tác bình thường”, chị Hoà cho biết.

Năm 2017, năng suất lúa của HTX đạt bình quân 170 kg/sào (4,6 tấn/ha); năm 2018 và vụ xuân 2019 mở rộng diện tích thêm 50ha, đạt 180 kg/sào (4,9 tấn/ha). Ngoài ra, HTX còn tổ chức cho bà con trồng luân canh lúa với đậu tương vụ đông, cho thu hoạch 8-10 tấn/vụ. Giá trị thu nhập đạt 500-600 triệu đồng, đưa tổng thu nhập bình quân trên diện tích sản xuất hữu cơ đạt 185 triệu đồng/ha/năm.       

Tiêu thụ 100% sản phẩm cho nông dân

Người dân Đồng Phú bắt đầu sản xuất lúa hữu cơ từ năm 2012; năm 2014, Dự án Pamci kết thúc, trao lại quyền tự chủ cho bà con.  Năm 2017, nhóm sáng lập viên, tham gia mô hình từ ngày đầu thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, với 89 thành viên; năm 2019,  nâng lên 103 thành viên.

Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, cho biết: “Nếu như năm 2015, diện tích của HTX mới đạt 15ha/vụ thì năm 2018 - 2019 tăng lên 25ha/vụ. HTX chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa hữu cơ”.

Sản xuất hữu cơ khác với sản xuất thường, nông dân phải hoạt động theo nhóm; canh tác trên cả khu ruộng rộng lớn, tự giám sát lẫn nhau trong quá trình canh tác. Hiện, lúa hữu cơ Đồng Phú đã được cấp chứng nhận Pamci theo mùa vụ và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam 11041- 2: 2017.

Muốn gia nhập thành viên sản xuất lúa hữu cơ Pamci, bà con  phải tham gia hội nghị, hội thảo, do HTX Đồng Phú, nhóm nông dân Thượng Phúc, hoặc thành viên của Dự án PAMCI-SAFERICE tổ chức. Phải ghi chép, lưu trữ đầy đủ trong hồ sơ các tiêu chí như: tên người sản xuất chính, vị trí lô, thửa, diện tích, nhật ký gieo cấy, sử dụng thuốc BVTV, phân bón, chế biến và bán sản phẩm theo mẫu.

Bà con cần lưu giữ hồ sơ ít nhất hai năm. Đặc biệt, phải tự thẩm định và kiểm tra việc ghi chép sổ sách lẫn nhau. Trưởng nhóm thường xuyên kiểm tra việc ghi chép và lưu trữ hồ sơ để xem đạt yêu cầu hay chưa. Nếu chưa đạt, phải có biện pháp khắc phục và phải ghi lại trong hồ sơ.

Đánh giá về HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết: “Sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, mô hình 4 nhà (Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh), và xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu. Từ vụ xuân 2019, HTX liên kết với Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, tiêu thụ 100% sản phẩm cho nông dân.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất và chế biến, Đồng Phú đã phối hợp với Công ty GreenPart trong việc gia tăng giá trị sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản xuất minh bạch, từ việc gắn camera trên đồng ruộng đến  chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu bền vững”.

Được biết, ngoài sản xuất lúa hữu cơ, HTX Đồng Phú còn đẩy mạnh việc đa dạng hoá sản phẩm từ hạt gạo hữu cơ như: chế biến bún tươi, các loại bánh, rau màu, khoai lang, khoai tây, đậu các loại...

 Theo Dương An Như/kinhtenongthon.vn