Ghi nhận ở xã điểm Tiến Hưng
- Chủ nhật - 05/05/2013 09:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện mạo mới
Về Tiến Hưng những ngày này, chúng tôi có dịp chạy xe trên những con đường trải nhựa, bê-tông phẳng lỳ, hai bên nhà cửa san sát, trong đó có nhiều nhà mái bằng, nhà tầng vừa được xây mới, bộ mặt vùng quê đổi thay rõ rệt…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Quế, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM xã Tiến Hưng khẳng định, có được kết quả đó, chính là nhờ dựa vào sức dân, từ sự đồng thuận cao trong các cấp chính quyền, đoàn thể của xã.
“Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Tiến Hưng bắt tay vào triển khai chương trình XDNTM từ cuối quý 2/2011, nhưng đến nay đã hoàn thành 7/19 tiêu chí. Chỉ tính riêng trong năm 2012, xã đã nâng cấp và làm mới 6 tuyến đường, tổng chiều dài gần 2km, trong đó nâng cấp tuyến đường cấp phối sỏi đỏ và làm 2 tuyến đường bê-tông ở ấp 1, làm mới 2 tuyến đường nhựa ở ấp 3 và 1 tuyến đường nhựa tại ấp 4, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Đáng chú ý là, một số công trình nhân dân đóng góp kinh phí tới 30%, Nhà nước hỗ trợ 70%. Làm được điều đó là nhờ Tiến Hưng có xuất phát điểm thuận lợi, gần trung tâm thị xã, người dân chủ yếu trồng điều và cao su nên thu nhập ổn định, do đó, việc vận động bà con tham gia đóng góp, huy động vốn cũng tương đối thuận lợi”, ông Quế nói.
Một điểm nữa mà chưa có xã nào ở Bình Phước làm được như Tiến Hưng, đó là tổ chức thu gom rác theo hình thức xã hội hóa. Theo ông Quế, với phương châm “Không có gì tốt hơn bằng việc mình tự đi thu gom cho mình”, mỗi ấp đều có 2 người đi thu gom rác vào bãi tập kết của xã để xử lý. Điều này vừa góp phần tạo thu nhập cho những người thiếu việc làm, vừa làm sạch môi trường làng quê. Mô hình này được Tiến Hưng áp dụng thí điểm từ quý 2/2011, đến nay đã được nhân rộng ra toàn xã.
Ông Quế cho biết: Cùng với các tiêu chí trên, việc thực hiện tiêu chí chuyển đổi cơ cấu lao động tại Tiến Hưng cũng khá thuận lợi. Toàn xã hiện có 8 tổ gia công chế biến hạt điều, giải quyết khá nhiều việc làm cho những lao động quá tuổi. Trên địa bàn không trồng lúa nước nên việc hình thành những tổ gia công như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ.
Chung sức XDNTM
Để thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM, ngay từ đầu năm, các xóm, ấp ở Tiến Hưng đã có chủ trương xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng Nhà nước làm mới các tuyến đường. Nhận thức được đây là chủ trương đúng đắn, phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân, nhiều hộ gia đình tại Tiến Hưng đã tích cực đóng góp tiền bạc để bê-tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường liên xóm, liên ấp; tự nguyện hiến đất, chặt cây, di dời công trình phụ để mở rộng đường sá, tạo thuận tiện cho đi lại và vận chuyển nông sản.
Ông Đặng Văn Khiêu, ngụ ấp 3 tâm sự: “Trước đây, vào mùa mưa, tuyến đường trong ấp lầy lội, nước ngập tràn qua đường, rất nguy hiểm cho người qua lại; vào mùa nắng thì bụi bay mù mịt. Vì thế, ngay khi xã có chủ trương làm đường mới, tôi và người dân trong xóm rất phấn khởi, đồng tình hưởng ứng”.
Theo ông Quế, để có được niềm tin, sự chung sức của người dân, một trong những yếu tố quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong mọi chương trình, dự án. Theo kế hoạch, trong năm 2013, Tiến Hưng làm mới 8 tuyến đường giao thông nông thôn, hiện đã triển khai 5/8 tuyến.
Quảng Bình (kinhtenongthon.com.vn)