Gia Lai: Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Ảnh: Anh Huy

Ảnh: Anh Huy

Để thúc đẩy phong trào “nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã tập trung hướng các hoạt động về cơ sở. Nhờ đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, toàn huyện có 2.561 gia đình đạt danh hiệu này.
Đến làng Tờ Số (xã Ya Hội) hỏi thăm gia đình nông dân Đinh Rít chẳng ai xa lạ. Vì nhiều năm qua nhờ phát triển sản xuất đúng hướng nên gia đình anh luôn có tên trong danh sách những “triệu phú” của làng. Song ít ai biết rằng để có thể nhận ra giá trị của đất đai và việc làm giàu trên chính quê hương của mình, Đinh Rít cũng đã phải trải qua những tháng ngày cơ cực, nay đây mai đó với đủ thứ nghề kiếm sống. Bước ngoặt thật sự đến với Đinh Rít là vào năm 2005, khi đó anh được Hội Nông dân tạo điều kiện được vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số tiền này, anh bàn với vợ mua hai con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng, số còn lại cộng thêm với tiền tiết kiệm của gia đình, anh mua giống mía, mì cao sản để trồng trên diện tích đất sẵn có. Nhờ đầu tư thâm canh vườn cây và mạnh dạn áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu làm đất đến bón phân nên năng suất cây trồng luôn đạt chất lượng cao. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, gia đình anh còn lãi khoảng 140 triệu đồng từ 4 sào mì cao sản và 4 ha mía. Riêng 2 sào lúa nước hàng năm cho thu hoạch khoảng 2 tấn thóc, đáp ứng đủ nguồn lương thực trong gia đình và giúp đỡ một số hộ khó khăn trong mùa giáp hạt. Đặc biệt, từ hai con bò sinh sản đến nay đàn bò của gia đình anh lên đến 15 con cùng với heo nái, dê, gà, vịt đủ cả.

Ngoài Đinh Rít, ở Ya Hội còn có nông dân Đinh Văn Ring cũng đi lên từ nghèo khó và trở thành “triệu phú” trên chính mảnh đất cha ông để lại. Cũng giống như nhiều gia đình trẻ khác trong làng, khi mới ra ở riêng, nông dân Đinh Văn Ring cũng gặp không ít khó khăn. Sau khi được tiếp cận các nguồn vay vốn, anh đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển  4 ha mía, 1 ha bắp lai, 3 sào lúa nước và 14 con bò, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình anh cũng nhiệt tình giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, kinh nghiệm… Hay gia đình nông dân Đinh Thị Rới (làng Jro Dong 1, xã Yang Bắc) cũng nhờ cần cù chịu khó đã dần thoát khỏi cảnh làm thuê, làm mướn và giờ đây đã làm chủ 3 ha đất trồng mía và 8 con bò lai…

Đây chỉ là vài ba trường hợp trong tổng số 2.561 hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi toàn huyện. Những hộ này hầu hết đều “tiên phong” trong việc sử dụng những điều kiện thuận lợi như vốn, khoa học-kỹ thuật, tiếp cận thị trường,…và không ai khác, các cấp Hội chính là chiếc “cầu nối” để đưa nông dân đến gần hơn với những điều đó. Để hội viên có vốn đầu tư sản xuất-kinh doanh, hàng năm, Hội Nông dân đã phối hợp tín chấp với các ngân hàng cùng cấp giải ngân vốn cho hàng ngàn nông dân vay. Cùng với đó, Hội còn phối hợp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để hội viên có thể “mắt thấy, tai nghe” và mạnh dạn vận dụng vào thực tế gia đình. Chưa hết, Hội còn đẩy mạnh việc hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và mạnh dạn phát triển thêm những ngành nghề mới nhằm tạo việc làm cho nông dân… Mặt khác, các cấp Hội cũng có kế hoạch nắm danh sách, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo để có kế hoạch giúp đỡ. 5 năm qua, Hội đã phối hợp giúp đỡ được 1.366 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lượt người.
Theo dantocmiennui.vn