Gia cố móng chính sách cho trụ đỡ nông nghiệp

Làm sao để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn trong bối cảnh mới là điều mà cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều mong muốn. Nhưng thực hiện ra sao thì có nhiều giải pháp. Chuyên đề tuần này của TBKTSG giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia, nhìn từ góc độ của người làm chính sách và từ thực tế sản xuất nhỏ lẻ.
Tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo xu hướng giảm dần kể từ đỉnh cao trong giai đoạn 1996-2000. Ảnh: TBKTSG

Chưa thể biết cuộc chiến tranh thương mại hiện nay sẽ để lại những hậu quả gì, nhưng nền tảng nông nghiệp Việt Nam cho thấy nó có khả năng chịu đựng và vượt qua nhiều thách thức. Vào lúc này, chính sách đóng vai trò quyết định để đảo ngược xu thế tăng trưởng thấp của nông nghiệp trong nhiều năm qua.

Tăng trưởng nông nghiệp giảm dần đều

Tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo xu hướng giảm dần kể từ đỉnh cao trong giai đoạn 1996-2000.

Có ba nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của ngành nông nghiệp suy giảm dần trong 15 năm qua: (i) vốn đầu tư vào nông nghiệp quá ít, (ii) suất sinh lợi khu vực nông nghiệp thấp, rủi ro cao và (iii) chính sách cho nông nghiệp không đủ mạnh để khuyến khích đầu tư vượt qua các trở ngại nói trên.

Đầu tư vào nông nghiệp nhìn chung là thấp, trung bình ở dưới mức 5% GDP trong các năm 1995-2005. Trong một số năm như năm 2005, đầu tư vào nông nghiệp chỉ bằng 3,1% GDP. Trong các năm 2001-2005 đầu tư vào nông nghiệp bị suy giảm. Mức giảm của năm 2001 lên đến 23%, kéo dài trong các năm tiếp theo, mãi đến năm 2005 mới phục hồi lại mức của năm 2000. Trong khoảng thời gian này cũng không có chính sách nào đáng kể làm động lực cho nông nghiệp. Đây có thể là nguyên nhân chính làm suy yếu nông nghiệp trong nhiều năm.

Năm 2017 và đầu năm 2018 có sự thay đổi về chính sách, mức đầu tư vào nông nghiệp đã gia tăng, dẫn đến tăng trưởng của nông nghiệp năm 2017 đạt 2,9% và sáu tháng đầu năm 2018 đạt 3,93%. Nhiều chính sách mới cho nông nghiệp vừa được ban hành như Nghị định 57/2018, Nghị định 58/2018, Nghị định 39/2018... hy vọng sẽ tạo đà tăng trưởng cho nông nghiệp trong các năm tới.

Nhìn lại chính sách đối với nông nghiệp

Có xu hướng khá rõ là các chính sách phát triển nông nghiệp về sau thông thoáng, cởi mở hơn trước, mức độ ưu đãi được nới rộng ra, khả năng doanh nghiệp tiếp cận cũng dễ hơn. Nghị định 57/2018 thay thế Nghị định 210/2013 của Chính phủ, Quyết định 19/2018 thay thế Quyết định 69/2010 của Thủ tướng Chính phủ là những dẫn chứng. Nhưng xu hướng này lại diễn ra chậm, làm mất cơ hội và nản lòng nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp thốt lên: giá như quy định về thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được đưa về cấp tỉnh ngay từ những năm 2010 (trong Quyết định 69/2010) chứ không phải đợi đến năm 2018 (theo Quyết định 19/2018)!

Doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao rất cần chính sách, rất cần được sự hỗ trợ nhưng để doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng được điều đó phải nói là cực kỳ khó. Chính sách dường như được thiết kế dành cho các viện nghiên cứu, khu công nghệ, doanh nghiệp lớn có bộ máy đầy đủ, nhân sự chuyên nghiệp, biết làm dự án, biết chạy hồ sơ, biết gõ cửa bộ, ngành trung ương chứ không phải cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương xa xôi.

Những quy định chằng chịt, trói buộc nhau, thủ tục rườm rà, nhiêu khê khiến hầu hết doanh nghiệp nản lòng. Tác động thực tế của chính sách do vậy không lớn.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được thành lập theo Quyết định 1152/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 5.200 héc ta là một ví dụ giữa kỳ vọng quá lớn và thực tế không thực hiện được.

Câu hỏi về mô hình hiện đại và thể chế đất đai

Mô hình nào để phát triển nông nghiệp là chủ đề được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây. Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng nhưng lập luận về mô hình nông nghiệp hiện đại sử dụng diện tích đất đai rộng lớn đang nổi lên và đưa đến yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai để nới rộng hạn điền.

Sự cần thiết của mô hình nông nghiệp hiện đại là điều không phải bàn, sự cần thiết mở rộng quy mô đất đai canh tác mở đường cho việc ứng dụng công nghệ, máy móc cơ giới cũng có thể hiểu được. Nhưng việc tập trung đất đai với quy mô lớn lại, ngay cả dưới hình thức dự án đầu tư tư nhân trong nông nghiệp, lại là việc rất khác.

Việc tập trung đất đai vào trong tay một ít người sẽ khiến có thêm nhiều người không còn đất canh tác. Đây không chỉ là sự thay đổi lớn về sản xuất mà còn kéo theo cả sự thay đổi về đời sống văn hóa ở vùng làm nông nghiệp, vùng nông thôn. Diện tích đất đai để làm nông nghiệp của cả nước nói chung là không lớn. Chỉ cần xuất hiện một vài đại gia, một vài dự án cực lớn thì số đông nông dân sẽ không còn đất, sẽ rời bỏ ruộng vườn, quê hương mà không còn có cái gì để níu kéo.

Các thảo luận về mô hình nông nghiệp hiện đại, có quy mô lớn về đất đai thường chỉ nói tới khả năng thành công mà không tính đến tình huống thất bại. Một phản đề là nếu các trang trại quy mô lớn hàng ngàn héc ta thất bại thì sao. Đất đai đó sẽ được sử dụng như thế nào? Có bị bỏ hoang hay không? Và số lao động nông nghiệp đó sẽ như thế nào?

Chính sách về đất đai, mô hình nông nghiệp nên đi từ thực tế của hàng ngàn, hàng vạn nông dân mà giúp đỡ cho họ có được hiểu biết, kiến thức để ứng dụng, để thay đổi, phát triển. Đi theo hướng này có thể là chậm nhưng bền mà ít xáo trộn.

Gia cố móng chính sách cho trụ đỡ nông nghiệp

Năm 2017, nông nghiệp đã tăng tới 2,9% nhưng tính chung cả hai năm 2016-2017, nông nghiệp chỉ tăng 2,12%. Nếu toàn bộ ngành nông nghiệp chỉ đạt mức tăng 3%/ năm từ nay đến năm 2020 thì xu thế tăng trưởng thấp dần của nông nghiệp vẫn chưa thể đảo ngược.

Sáu tháng đầu năm 2018 nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng nên tăng đến 3,93%. Xu thế thuận lợi này được cho là sẽ tiếp tục đến hết năm 2018. Thế nhưng, thị trường rất dễ thay đổi, nhất là dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại có tính chất toàn cầu như hiện nay, cộng với tính phức tạp khó lường của thời tiết, khí hậu, cho nên cánh cửa tăng trưởng cao hơn 3% trong các năm 2019-2020 có lẽ sẽ không rộng mở. Nếu kịch bản xấu xảy ra, nền kinh tế rơi vào suy thoái thì nông nghiệp có tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ như những chu kỳ trước hay suy thoái còn nghiêm trọng hơn?

Chính sách giờ đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp. Để khuyến khích đầu tư, mà chủ yếu từ khu vực tư nhân, thì chính sách đóng vai trò quyết định. Các đầu tư gián tiếp vào nông nghiệp như cơ sở hạ tầng, đô thị mới cho vùng nông thôn, các ngành công nghiệp tác động đến nông nghiệp, các công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp cũng rất quan trọng. Làm cho nông nghiệp có mức sinh lợi cao, hấp dẫn hơn cần giải pháp giảm rủi ro qua cơ chế bảo hiểm và việc xây dựng các cụm ngành, các đô thị, các hoạt động du lịch trong vùng nông nghiệp.

Các chính sách làm động lực thúc đẩy này cần hướng đến đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa và hàng vạn nông hộ. Chúng cần được thiết kế thực sự đơn giản, dễ tiếp cận.

Giải bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là việc của doanh nghiệp. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ thông qua việc ký kết, tham gia các hiệp định thương mại tự để mở rộng cơ hội thị trường hay tháo dỡ rào cản, thuế quan và các vụ tranh chấp.

Võ Hùng Dũng/thesaigontimes.vn/