Giá gạo Việt Nam tăng do “nông dân găm hàng”

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tuần này tăng nhẹ do lượng hàng tồn kho không còn nhiều mà nông dân lại găm hàng. Gạo Thái Lan cũng vững giá do nhu cầu mua từ Iraq và Nigeria.
Giá gạo Việt Nam tuần này tăng do nhu cầu giao hàng giữa lúc lượng gạo tồn kho nội địa ở mức thấp.
Hãng tin Reuters cho biết, dù Chính phủ Thái Lan đã bán ra một phần kho lúa gạo tạm trữ, giá gạo Thái tuần này không giảm.

Hôm qua (5/9), Thái Lan tuyên bố sẽ bán 220.000 tấn gạo từ đợt đấu thầu 753.000 tấn gạo tổ chức vào hồi cuối tháng 7. “Chúng tôi có thể sẽ bán 220.000 tấn gạo trước vì giá bỏ thầu khá tốt. Chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu lần nữa để bán nốt số gạo còn lại”, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Thái Lan nói.

Các thương nhân cho biết, giá gạo trắng tiêu chuẩn 100% và loại gạo 5% tấm của Thái Lan hôm qua (5/9) đứng vững ở các mức tương ứng là 600 USD/tấn và 585 USD/tấn. “Mặc dù sắp có thêm gạo từ kho tạm trữ của Chính phủ được bán ra thị trường, giá gạo vẫn không giảm do nhu cầu từ thị trường nước ngoài đang đóng vai trò hỗ trợ”, một thương nhân ở Bangkok phát biểu.

Theo các thương nhân, Nigeria đã bắt đầu đàm phán với các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan để mua 200.000 tấn gạo sấy. Trước đó, vào tháng 7 vừa rồi, các nhà xuất khẩu gạo Thái còn nhận được đơn hàng mua 70.000 tấn gạo trắng loại 5% tấm từ Iraq.

Chính phủ Thái Lan không công bố mức giá thắng thầu gạo cụ thể trong đợt đấu thầu vừa rồi. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu tham gia đợt đầu thầu cho biết, mức giá chào mua được đưa ra ngang giá thị trường, tức là thấp hơn gần 200 USD/tấn so với mức chi phí mà Chính phủ Thái mua gạo tạm trữ.

Cũng theo giới thương nhân, tổng mức giá mua tạm trữ của Chính phủ vào khoảng 800 USD/tấn gạo, bao gồm giá thóc 15.000 Baht (480 USD)/tấn trả cho nông dân, công thêm chi phí xay xát, đóng gói, hậu cần và lưu kho.

Kho thóc tạm trữ của Chính phủ Thái Lan hiện ở mức kỷ lục 10 triệu tấn quy gạo. Các nhà chức trách nước này đã tuyên bố kế hoạch gia hạn chính sách tạm trữ gạo, với mục tiêu dành thêm 400 tỷ Baht, tương đương khoảng 13 tỷ USD để mua 25 triệu tấn thóc tạm trữ trong thời gian từ tháng 10/2012 đến hết tháng 9/2013.

Giá gạo Việt Nam tuần này cũng tăng do nhu cầu giao hàng giữa lúc lượng gạo tồn kho nội địa ở mức thấp. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm, FOB cảng Sài Gòn, vào hôm 5/9 là 460 USD/tấn, từ mức 450-455 USD/tấn cách đây 1 tuần. Trong khi giá gạo loại 25% tấm dao động trong khoảng 415-425 USD/tấn từ mức 415 USD/tấn vào ngày thứ Tư tuần trước.

“Các công ty xuất khẩu đang mua gạo để giao hàng mà nguồn cung trong nước thì hạn hẹp sau khi vụ thu hoạch lúa Hè-Thu kết thúc”, một thương nhân ở Tp.HCM cho biết. Theo vị này, nông dân đang găm hàng chờ giá tăng thêm sau khi thấy giá nhích lên trong mấy tuần gần đây.

Giá gạo Ấn Độ lại giảm trong tuần này trong bối cảnh giao dịch thưa thớt. “Không có hợp đồng xuất khẩu lớn nào được ký, mặc dù gạo Ấn Độ tiếp tục rẻ hơn ít nhất 100 USD/tấn so với gạo từ các nước khác”, một nhà giao dịch ở New Delhi cho hay.

Giá các loại gạo thường của Ấn Độ chào bán ở mức 375-435 USD/tấn, FOB, so với mức 400-435 USD/tấn cách đây 1 tuần.

Lượng mưa trong mùa mưa năm nay ở Ấn Độ đã tăng sau khi ở mức thấp vào đầu mùa. Nhờ đó, diện tích trồng lúa ở quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới này cũng tăng lên, đồng thời cải thiện triển vọng về sản lượng.
Theo VnEconomy