Giá heo hơi hôm nay 25/3: Dịch Covid-19 nhập khẩu thịt lợn từ đâu?
- Thứ ba - 24/03/2020 19:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tăng thịt lợn nhập khẩu
Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 280.000 tấn thịt các loại (tăng 17%), trong đó thịt lợn hơn 67.000 tấn (tăng 63% so với năm 2018). Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Cục Thú y đã làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa cho khoảng 399 tấn thịt lợn các loại.
Tuy nhiên, do số lượng thịt lợn nhập khẩu còn ít nên hầu như không bán trong siêu thị mà chủ yếu cung cấp cho các đơn đặt hàng đặt trước, hoặc các khu công nghiệp, nhà hàng đã ký hợp đồng.
Ngoài 50.000 tấn thịt lợn dự kiến sẽ nhập từ Liên bang Nga trong năm nay, thời gian qua các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn từ các nước: Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Hoa Kỳ.
Hiện Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu. Năm 2019, cả nước có 600 doanh nghiệp nhập khẩu thịt các loại, trong đó 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018).
Giá heo hơi hôm nay 25/3, thương lái thu mua trong dân và các trang trại phổ biến từ 75.000 - 85.000 đồng/kg, trong đó giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, tại miền Trung từ 75.000 - 85.000 đồng/kg, miền Nam từ 75.000 - 82.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: T.L
Theo Bộ NN&PTNT, thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn cho thấy, do dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nước, cộng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nguồn cung đang gặp khó khăn; nhiều quốc gia đang tạm thời ngừng giao thương để phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng.
Do đó, dù các doanh nghiệp có muốn nhập khẩu thịt heo về bán cũng không dễ dàng gì, nhất là Trung Quốc cũng đang có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn 20 - 30% so với các doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng thường mua với số lượng rất lớn. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đang thiếu thịt heo do dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ 2018-2019, giá heo hơi tại nước này đang rất cao, khoảng 130.000 đồng/kg.
Chưa kể, thời gian vận chuyển thịt heo nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ hay từ Nga về Việt Nam bằng đường biển khoảng 30 - 45 ngày. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, đàm phán, giao thương của các doanh nghiệp. Việc tìm kiếm thị trường mới cũng gặp rất nhiều khó khăn vì do lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại khiến các nhà nhập khẩu nước ta hầu như "án binh bất động".
Giải pháp tối ưu thời dịch Covid-19: Tái đàn
Theo Bộ NN&PTNT, để tăng nguồn cung, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P, Dabaco, Jafa, Greenfeed đã tăng số lượng tổng đàn từ 5 - 15%, trong đó có nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai...
Đặc biệt là tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai, các trang trại của doanh nghiệp đang tái đàn thuận lợi, sau gần 2 tháng chưa có trại nào bị tái phát ổ dịch tả heo châu Phi.
Trao đổi với PV Báo DANVIET, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tái đàn được xem là giải pháp hiệu quả nhất nhằm tăng sản lượng thịt lợn.
“Năng lực chăn nuôi hiện nay rất cao, với gần 2,7 triệu lợn nái, 109.000 lợn cụ kị, ông bà, cơ sở vật chất và chuồng trại vẫn còn. Trong quá trình chống dịch hình thành được các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học có thể nhân rộng trong điều kiện sản xuất ở các địa phương, trang trại, gia trại… Với những yếu tố đó, các tỉnh cần tập trung cho tái đàn, các doanh nghiệp đẩy mạnh tăng đàn trong thời điểm hiện nay” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Tuy nhiên, theo người chăn nuôi ở Đồng Nai, giá heo giống hiện nay đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, mua được con giống tốt cũng rất khó do hầu hết các doanh nghiệp, trnag trại giữ giống lại để nuôi. Điều này khiến công tác tái đàn của người chăn nuôi gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) có hơn 30 con heo gần đến tuổi xuất chuồng. Tuần trước, thương lái đã trả giá heo hơi mức 78.000 đồng/kg. Với giá này, trừ chi phí bà Thảo có thể lãi hơn 2 triệu đồng/con. Tuy nhiên, số lời này không đủ bù cho khoản tiền bà mất vì lứa heo tái đàn trước đó mất trắng do dịch tả heo châu Phi.
Bà Thảo chia sẻ: Tôi mới bắt thêm lứa heo con mới hơn 50 con, giá heo con đã đội lên khoảng 3 triệu đồng/con, chưa kể tiền cám, tiền thuốc men, hao hụt... Muốn đầu tư đàn nái mới, trang trại sản xuất giống phải chi một khoản tiền không nhỏ vì 1 con heo hậu bị hiện nay có giá khoảng 10-11 triệu đồng/con, nuôi gần 1 năm nữa mới có lứa heo con mới, trong khi dịch bệnh vẫn đang không ngừng đe doạ người chăn nuôi.
Theo bà con, để hỗ trợ người dân tái đàn thuận lợi, Bộ NN&PTNT cần xem xét đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách như ưu đãi thuế, cung cấp vốn không lãi hoặc lãi suất thấp, giãn nợ cho người nuôi lợn… Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có chính sách điều phối giữa các doanh nghiệp liên quan như doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, các nhà bán hàng… góp phần hạ giá thành thịt lợn, giảm bớt chi phí ở các khâu trung gian.
Trung Quốc nhập khẩu thịt lợn nhiều kỷ lục Theo dự báo của Ngân hàng Rabobank, trong năm 2020, nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia châu Á sẽ tiếp tục tăng, trong đó nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc sẽ lên cao kỉ lục trong năm 2020, khoảng 67% để bù cho nguồn cung thiếu hụt. Ước tính sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc đã giảm hơn 20% trong năm 2019 do dịch tả lợn châu Phi, trong khi năm 2020, sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ khiến thị trường thịt biến động mạnh. Rabobank dự báo, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm thêm 15 – 20% trong năm 2020.
Người dân Trung Quốc chọn mua thịt lợn tại một cửa hàng tại Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nguồn cung như: Tăng trợ cấp để tái đàn, giải phóng kho dự trữ thịt lợn đông lạnh và tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, theo phân tích của Ngân hàng Rabobank, dịch Covid-19 là yếu tố đầu tiên làm trì hoãn việc tái đàn. Rabobank dự báo có thể phải tới 6 tháng cuối năm 2020 đàn lợn mới phục hồi, vì đến thời điểm đó lượng nhân công và hoạt động vận chuyển gia súc mới trở lại bình thường. Các doanh nghiệp dịch vụ thực phẩm và nhà bán lẻ Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và là nguyên nhân làm giảm nhu cầu. |
Xem bài viết gốc tại đây