"Già hóa" nông thôn - Thách thức cho ngành nông nghiệp
- Thứ sáu - 09/10/2015 04:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2014, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam có khoảng 43% người cao tuổi đang làm việc, trong đó phần lớn người lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có thu nhập thấp và không ổn định. Tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 23% lao động nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế tại các vùng nông thôn hiện nay cho thấy, một bộ phận lớn lao động trẻ tại đây đang có xu hướng rời bỏ quê hương để tìm kiếm các công việc khác. Dù chưa có con số thống kê từ các địa phương nhưng lao động ở nông thôn đang có sự chuyển dịch ngày càng rõ nét. Câu hỏi được đặt ra là điều gì đã khiến những thanh niên trẻ không mặn mà với nghề nông? Và nông thôn Việt Nam đang bị "già hóa"?
Theo nghiên cứu, nếu người nông dân bỏ ra 70% tổng chi phí sản xuất cho cây lúa thì chỉ thu lời được chưa tới 30%. Đây cũng là một phần lý do khiến người nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng. Phương án được người nông dân lựa chọn là rời quê hương đến làm việc tại các khu công nghiệp ở thành thị. Bởi lẽ, trong khi làm nông nghiệp phải vài ba tháng có thu nhập một lần, hơn nữa lợi nhuận lại ngày càng teo tóp, thì công việc tại các khu công nghiệp có thể đem tới cho người lao động mức lương 3 - 4 triệu/tháng.
Người trẻ bỏ đi, người có tuổi ở lại, lao động tại nông thôn đang ngày càng già hóa về chất lượng. Thực tế này đã tạo ra thách thức cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhất là quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thuần nông nghiệp.
Theo đó, biện pháp để giải quyết hiện trạng này cần được các nhà quản lý chú trọng hơn. Khi người trẻ có xu hướng rời bỏ nông thôn, những người ở lại cần được liên kết với nhau với sự tiếp sức của Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Đó là cách làm của những tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới đang được nhân rộng ở các địa phương.
theo http://cafef.vn/