Giá nông sản hôm nay 11/10: Cà phê giảm 200 đồng, giá tiêu cao nhất 3 tháng qua
- Thứ tư - 10/10/2018 23:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Niên vụ cà phê 2017-2018: Nhiều bất ngờ
Không thể tiếp tục đà tăng trưởng để tiến dần tới mốc 37.000 đồng/kg, so với ngày hôm qua, hôm nay 11.10, giá cà phê nguyên liệu đã giảm 200 đồng/kg, giá cà phê Tây Nguyên hiện giao động trong khoảng 35.400 – 36.000 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay 11.10 giảm nhẹ 200 đồng/kg. Ảnh: IT
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang giữ ở mức 35.400 đồng/kg, giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà thấp hơn, có giá 35.300 đồng/kg.
Trong khi đó tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk), Ea H'leo (Đắk Lắk) cà phê đang dao động trong khoảng 35.800 – 35.900 đồng/kg. Tại huyện Buôn Hồ giá cà phê ở mức 35.700 đồng/kg.
Còn tại Gia Lai, giá cà phê hôm nay được bán với mức 36.000 đồng/kg. Tương tự giá cà phê tại Kon Tum và Đắk Nông đang có giá 35.700 đồng/kg.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đang giảm, với giá hợp đồng giao tháng 9 tăng 11 USD (giảm 0,65%) đứng ở mức 1.682 USD/tấn.
Trong khi tại New York, giá cà phê Arabica giảm 1,25 USD, mức giảm 1,1% đứng ở mức 111,90 cent/lb.
Kết thúc niên vụ cà phê 2017/2018, báo cáo xuất khẩu từ Indonesia chỉ đạt tổng cộng 1,6 triệu bao cà phê các loại, một con số hết sức bất ngờ. Trong khi dự kiến con số xuất khẩu trong cùng niên vụ cà phê này của Việt Nam có thể lên tới 30 triệu bao, cũng bất ngờ không kém.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,6% và 9,8%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là: Indonesia (gấp 8 lần), Nga ( 66,6%) và Philippines ( 46,6%). Trong tháng 9/2018, thị trường cà phê trong nước biến động nhiều theo xu hướng thị trường thế giới.
Xuất khẩu tiêu ngày càng nhiều rào cản
Mặc dù giá tiêu khu vực Tây Nguyên và miền Nam hôm nay đi ngang nhưng vẫn ở mức cao nhất trong 3 tháng qua, giao động từ 54.000 – 56.000 đồng/kg.
Dù đi ngang nhưng giá tiêu vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Ảnh: IT
Trong đó giá tiêu tại Gia Lai tăng mạnh 1.500 đồng/kg lên mức 53.500 đồng/kg, tại Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 1.000đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Bình Phước giá tiêu vẫn đứng ở mức 53.000 đồng/kg. Và Đồng Nai vẫn “chốt sổ” với mức giá thấp nhất 52.000 đồng/kg.
Riêng về tình hình xuất khẩu tiêu thế giới, quyết định của Sri Lanka về việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho bất kỳ loại hồ tiêu nào được xuất khẩu từ quốc đảo này có thể gây thêm rủi ro cho người trồng tiêu Ấn Độ, đặc biệt là ở Kerala và Karnataka, những vùng trồng lớn nhất tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á vốn đang chịu ảnh hưởng từ những cơn lũ gần đây.
Người trồng tiêu Ấn Độ cho rằng, quyết định cấp giấy chứng nhận xuất xứ ngay cả đối với các thùng chứa hồ tiêu đi qua Cảng Colombo sẽ chỉ ra đầu vào là tiêu Việt Nam, với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Khiến cho vấn đề tồi tệ hơn, hồ tiêu Việt Nam được đưa vào Ấn Độ chỉ phải trả 8% thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA), theo đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá tiêu trên thị trường nội địa Ấn Độ.
Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, cao hơn nhiều, ở mức 52%.
Trong khi động thái của Sri Lanka dấy lên mối lo ngại, các hiệp hội đại diện cho người trồng tiêu Ấn Độ và một đại diện khác cho nhà xuất khẩu đã đưa ra các đề xuất khác nhau để giải quyết vấn đề.
Ông Kishore Shamji từ Hiệp hội Thương lái, Nông dân, Nhà sản xuất và Người trồng hồ tiêu Ấn Độ (IPSTPC) muốn hàng nhập khẩu từ Sri Lanka bị áp thuế quan 52% đối với các quốc gia ASEAN hoặc 70% nói chung để bảo vệ người trồng tiêu Ấn Độ.
Ông hiểu rõ ngay cả tiêu đen của Brazil giờ đây có thể tìm thấy đường đến Ấn Độ thông qua Sri Lanka nhằm trốn thuế nhập khẩu 70%. Ông Shamji cho biết, hồ tiêu Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện tại thị trường Ấn Độ thông qua các cảng Tuticorin, Chennai và Krishnapatnam,
Ấn Độ đã thiết lập giá nhập khẩu tối thiểu ở mức 500 rupee/kg đối với tiêu đen (tương đương 7.200 USD/tấn). Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách của Sri Lanka dự kiến sẽ giúp giao dịch xuất nhập khẩu tại đây với giá hơn 4.400 USD/tấn, theo ông Shamji. Ông chỉ ra việc thu mua hồ tiêu đang được thực hiện ở mức 200 rupee/kg, tương đương 2.800 USD/tấn.
Theo: Nguyễn Tố/danviet.vn