Giá thịt giảm mạnh, chăn nuôi thua lỗ
- Thứ hai - 15/04/2013 11:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thi nhau giảm giá
Đứng ngồi không yên, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cho hay, giá các loại gia cầm tại HTX thời gian qua liên tục giảm mạnh khiến các hộ nông dân trong HTX càng nuôi càng lỗ.
Ông Chiến lấy ví dụ như giá gà trắng hiện chỉ dao động trong khoảng 30.000 đồng/kg, giảm 7.000-8.000 đồng/kg so với hồi trước tết. Nếu so với giá thành, bán mỗi kg thịt gà, thay vì có lãi thì nông dân ở đây đã lỗ 4.000 đồng/kg.
Hiện nay, ông Chiến cho hay HTX Cổ Đông chăn nuôi dưới hai hình thức. Thứ nhất là chăn nuôi theo hình thức tự cung tự cấp với quy mô khoảng 500 trang trại. Thứ hai là hình thức chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, những hộ nông dân nuôi theo hình thức thứ nhất hiện đang trong tình trạng sống dở chết dở khi giá cả đang giảm. Trong khi nuôi theo hình thức thứ hai thì ổn định hơn nhưng lợi nhuận cũng không được bao nhiêu.
Mặc dù không trong tình cảnh lỗ lã nhưng anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trại chăn nuôi với quy mô hơn 500 đầu heo tại huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng không mấy vui vẻ khi từ tết đến nay giá heo liên tục giảm khiến thu nhập của gia đình không còn được như những năm trước. Theo anh Lâm, hiện giá 1 kg heo xuất chuồng chỉ khoảng 41.000 - 42.000 đồng/kg, giảm 7.000 – 8.000 đồng/kg so với trước tết.
“Trong khi đó, giá thành một kg heo khoảng 40.000 đồng/kg. Với mức giá bán như vậy thì những người chăn nuôi như tôi còn có chút lãi, còn những hộ phải đi vay vốn ngân hàng thì cầm chắc lỗ” - anh Lâm tâm sự.
Không chỉ giá thịt gà, thịt heo mà giá trứng cũng giảm đáng kể. Anh Đặng Đình Lộc, chủ trang trại nuôi hơn 4.000 con gà đẻ lấy trứng tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho hay chi phí trung bình như tiền thức ăn, điện, nước, thuốc men để gà đẻ một quả trứng vào khoảng 1.400 đồng. Nhưng từ tết đến nay, giá trứng loại 1 chỉ khoảng 1.700 đồng/quả, loại 2 khoảng 1.600 - 1.650 đồng/quả, giảm 500 - 600 đồng/quả so với thời điểm trước tết. Như vậy, nếu đàn gà đẻ tốt thì người chăn nuôi mới có lãi, còn lại thì chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.
Theo các hộ chăn nuôi, nguyên nhân giảm giá là do thời điểm ra tết lượng tiêu thụ thực phẩm giảm. Tuy nhiên, theo ông Chiến, Chủ nhiệm HTX Cổ Đông giá giảm còn do hệ thống chăn nuôi nông hộ hiện nay không thể cạnh tranh được với hệ thống chăn nuôi gia công của các công ty nước ngoài.
Cùng nhau tăng giá
Trong khi thịt thành phẩm liên tục giảm giá thì giá các nguyên liệu đầu vào lại cùng nhau tăng giá như điện, nước, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi. Ông Chiến liệt kê, hiện giá cám công nghiệp cho heo thịt ở mức 300.000 đồng/bao 25kg, tương đương 12.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Giá cám cho gà đẻ cũng tăng 500 đồng/kg, hiện ở mức 10.000 đồng/kg.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện nay thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khi mỗi năm chúng ta phải nhập 8 - 9 triệu tấn nguyên liệu. Riêng năm 2012, lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã tiêu tốn gần 2,5 tỉ đô la Mỹ, với mức tăng trưởng nhập khẩu hàng năm là 16,38%.
Điều đáng lo ngại, theo ông Lịch là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi trong nước. Chính vì vậy, thức ăn chăn nuôi trong nước thường hay bị "làm giá" bởi các công ty lớn và thường cao hơn một số nước trong khu vực.
Không chỉ phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, hiện nay ngành chăn nuôi còn phụ thuộc nhiều vào giống nhập khẩu. Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống giống hiện nay mới đáp ứng 80-85% đối với heo; 45-50% gia cầm; 70-80% đối với bò thịt, và 80% với bò sữa.
Chính vì chưa chủ động được giống gốc nên hàng năm nước ta phải nhập khẩu với số lượng lớn. Riêng năm 2012 đã tốn 5 triệu đô la Mỹ nhập 500.000 liều tinh bò và 7.000 lợn giống; 6,4 triệu đô la Mỹ nhập 1,5 triệu gà giống.
Mặt khác, hàng năm, ngành chăn nuôi trong nước còn phải cạnh tranh với một lượng lớn thịt nhập khẩu. Trong năm 2012, Việt Nam đã nhập 73.928 tấn thịt gà, chủ yếu từ Mỹ và Hàn Quốc. Nhập khẩu thịt heo năm 2012 là 3.504 con, tiêu tốn gần 7 triệu đô la Mỹ; trong đó nhiều nhất là Mỹ chiếm 55,9%, Canada chiếm 30,3%..., chưa kể nguồn thịt nhập lậu.
theo TBKTSG Online