Giải bài toán vốn cho hợp tác xã thế nào?
- Thứ sáu - 18/12/2015 10:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Loay hoay vì vốn
Ông Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền (Bảo Thắng, Lào Cai) đang có 38 hộ xã viên tham gia chia sẻ: HTX sản xuất nhỏ lẻ, nên giá bán không ổn định. Cũng vì thế mà chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới, không dám mời chuyên gia về hướng dẫn chăn nuôi. Hệ số quay vòng vốn thấp.
Hiện nay dù vốn của HTX Quý Hiền lên tới hơn hàng chục tỉ đồng nhưng HTX vẫn đang lúng túng vì vốn là tài sản đóng góp của xã viên. Theo yêu cầu thì các hộ thành viên góp vốn cho HTX bắt buộc phải sang tên chính chủ cho HTX nhưng từ đây nảy sinh vấn đề liệu các hộ có yên tâm sản xuất hay không?
Cũng chính vì thế, các HTX nông nghiệp không biết tìm nguồn vốn ở đâu để đầu tư mua sắm thiết bị, mở rộng kinh doanh, sản xuất.
Mặc dù Luật HTX ra đời từ năm 2012 nhưng các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX nói chung vẫn khó tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD).
Vốn ngân hàng: Nhiều cho tam nông nhưng... "hẻo" cho HTX
Từ năm 2013, chính sách về vốn cho các HTX được mở rộng với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn nói chung và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nói riêng đối với khu vực kinh tế tập thể, trong đó có HTX.
Gần đây nhất là việc nới hạn mức vay tín chấp cho HTX, chủ trang trại. Cụ thể, khi hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hai chủ thể này được vay tín chấp, vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản tối đa là 500 triệu đồng tại các TCTD.
Cùng với đó, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã mạnh dạn cho vay kinh tế HTX.
Cụ thể, vào tuần đầu tháng 11/2015, Agribank tổ chức ký kết hỗ trợ tín dụng cho 5 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-dịch vụ tại Ninh Thuận. Nhiều HTX làm ăn hiệu quả cũng đã mạnh dạn gõ cửa ngân hàng.
Việc một số ngân hàng mạnh dạn cung ứng vốn cho các đơn vị kinh tế tập thể nói trên cho thấy, hiện nay hoạt động cho vay đối với các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng đã bắt đầu có những dấu hiệu tốt lên.
Tuy nhiên, có điều đáng băn khoăn là vốn đang dồn nhiều hơn cho "tam nông" nói chung nhưng vốn cho HTX vẫn khiêm tốn.
Chẳng hạn tại Nghệ An, trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của tất cả các TCTD trên địa bàn, khu vực kinh tế HTX, tổ hợp tác chỉ chiếm 0,76%; tương tự ở Hà Tĩnh là 0,69% và ở Thanh Hóa là 0,11%.
Bà Nông Thị Biệt, Chủ nhiệm HTX Minh Anh (TP. Bắc Kạn) chia sẻ vì không có tài sản thế chấp nên ngân hàng và HTX vẫn còn khoảng cách.
Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, điểm yếu nhất của HTX là không có phương án vay vốn rõ ràng, không có trụ sở nên khó tạo niềm tin vay vốn.
Để khơi dòng vốn
Để thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần xây dựng hệ thống liên kết giữa Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và các quỹ địa phương theo hướng Quỹ Trung ương là đầu mối hướng dẫn, tư vấn và phối hợp cùng quỹ địa phương triển khai hỗ trợ vốn cho các HTX theo các hình thức khác nhau như hợp vốn đồng tài trợ, uỷ thác... Các chính sách tín dụng cho HTX cũng cần phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất.
Về phía ngân hàng, nên xác định đối tượng phục vụ không chỉ là HTX mà còn bao gồm cả xã viên của HTX. Vì thế chính sách tín dụng không thiên lệch quá vào kinh tế hộ hay các xã viên mà cần tập trung nhiều hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, hỗ trợ cho hoạt động của HTX phát triển.
Theo Thanh Hằng/baochinhphu.vn