Giải bài toán vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp

Trong 6 tháng qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, duy trì được tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,5%.
 Song, nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển sản xuất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều khó khăn về vốn
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, một trong những khó khăn lớn của ngành nông nghiệp hiện nay là thiếu nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phòng chống lụt bão. Đơn cử, trong số hơn 600 tỷ đồng vốn bố trí xây dựng nông thôn mới năm 2014 theo kế hoạch thì có tới 500 tỷ đồng là vốn ứng trả nợ cho năm 2013. Sở đã báo cáo UBND TP kiến nghị HĐND TP cho phép tạm ứng kinh phí 500 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã triển khai đầu tư cho chương trình dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Sở đề nghị TP bố trí kịp thời vốn xử lý cấp bách công trình thủy lợi, đê điều...
Thi công dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích tại Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện
Thi công dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích tại Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện
Thời gian qua, TP đã đầu tư một số hạng mục hạ tầng như trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nước sạch nông thôn nhưng hiện vẫn còn thiếu vốn. Trong khi đó, liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu dùng nông sản thực phẩm đang còn khoảng cách khá xa, lợi nhuận chủ yếu rơi vào khâu trung gian nên không khuyến khích được đầu tư ở khu vực tư nhân.
Rà soát để tháo gỡ
Bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng nguồn vốn dự phòng năm 2014 của TP là hơn 600 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, một số dịch bệnh bùng phát nên TP đã chi một phần kinh phí cho công tác dập tắt dịch bệnh, số còn lại hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đầu mùa mưa bão, riêng Sở NN&PTNT đã đề xuất hơn 200 tỷ đồng để xử lý cấp bách các công trình về thủy lợi, đê điều là rất khó khăn. Do đó, Sở NN&PTNT cần rà soát lại danh mục, những dự án thực sự cần thiết để triển khai, còn lại sẽ chuyển sang dự toán năm 2015. Đồng thời rà soát lại hệ thống kênh mương, đê điều, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để chủ động hơn trong xây dựng cơ bản.
Hiện nay, trên địa bàn TP có 5 doanh nghiệp thủy lợi đang đặt hàng triển khai các chương trình, dự án về thủy lợi, đê điều. UBND TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát lại đơn giá thực hiện để đảm bảo sát thực tế hơn, bởi đơn giá được ban hành từ năm 2012, đến nay đã nảy sinh nhiều vấn đề không còn phù hợp. Do vậy, theo đại diện Sở Tài chính, Sở NN&PTNT cần tập trung nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ trên, trong tháng 7 phải hoàn thành để tháng 8 kịp làm dự toán kinh phí cho năm 2015.
Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT mới đây, lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu Sở nghiên cứu cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Riêng về lĩnh vực nước sạch và xử lý rác thải nông thôn, có thể xã hội hóa đầu tư trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước. Đối với các công trình phòng chống lụt bão, Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, thống nhất mục tiêu, tránh chạy theo đề nghị của nhà thầu. Chủ tịch UBND TP cũng giao cho Sở KH&ĐT, Sở Tài chính và Sở NN&PTNT phối hợp rà soát, báo cáo UBND TP về việc bổ sung ứng vốn 500 tỷ đồng cho dồn điền đổi thửa và xây dựng nông thôn mới.
Thiên Tú
theo ktdt