Giải cứu nông sản, bắt đầu từ “giải cứu”... tư duy?

Câu chuyện giải cứu dưa hấu, giải cứu đàn heo là những “điệp khúc buồn” sau khi nhiều mặt hàng nông sản tăng đột biến, thị trường nhập khẩu bất ổn, cung vượt xa cầu, giá cả rơi xuống đáy vực…
Công ty CP Lebio thu mua đợt lợn 330 con đầu tiên cho trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Hòa Bình, xã Đô Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh Nguyễn Hạnh

Dĩ nhiên, dù là giải pháp tình thế, phi thị trường, vẫn có không ít tổ chức hoặc những nhóm người có lòng hảo tâm, ra tay giải cứu. Thậm chí mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi, trong đó có yêu cầu các doanh nghiệp lớn tăng cường mua, giết mổ, cấp đông dự trữ thịt lợn, thịt gia cầm.

Thực ra, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới lâu nay vẫn thực thi nhiều giải pháp bảo hộ nông nghiệp, được xem như những động thái giải cứu.

Năm 2016, Mỹ đã đệ đơn kiện tới WTO khi Trung Quốc trợ giá hơn 100 tỷ USD trong năm 2015 cho ngô, lúa gạo, lúa mỳ, cao hơn rất nhiều so với mức trợ giá 20 tỷ USD/năm của Mỹ. Hoặc, chính quyền Trung Quốc lập hẳn một kho dự trữ thịt lợn lớn, đã mua vào 2 đợt vào năm 2013 (gần 170.000 tấn) và bán ra hàng chục nghìn tấn vào năm 2016 để bình ổn thị trường khi giá vọt lên cao.

EU chi 39 tỷ Euro năm 2010 để hỗ trợ ngành nông nghiệp với các chính sách trợ giá, cho vay ưu đãi, thiết lập hệ thống kho dự trữ.

Ngoài nhiều kho dự trữ nông sản chiến lược, Nhật Bản lập hàng rào thuế quan cao… ngang trời với nông sản nhập khẩu. Chẳng hạn, khoai tây, gạo, đường có thuế suất thuế nhập khẩu tương ứng 1.700%, 778%, 328%...

Trở lại Việt Nam, thật khó học và làm theo phương cách giải cứu nông nghiệp của các nước tiên tiến. Vậy, giải pháp nào giải cứu hiệu quả nhất?

Còn nhớ, sau Tết Đinh Dậu 2017, giải pháp phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam đã được đưa ra: Liên kết 5 nhà- nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng. Đặc biệt, tích tụ và tập trung ruộng đất được coi là yếu tố đột phá. Với diện tích đất lớn, doanh nghiệp sẽ đầu tư, sản xuất nhiều nông sản chất lượng cao, giá thành thấp, có đầu ra tốt, xây dựng thương hiệu...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trước khi có những diện tích đất lớn- tiền đề để giải cứu nông nghiệp- cần có nhiều cuộc giải cứu khác: Nhà quản lý cần được giải cứu khỏi ám ảnh của tư duy hạn điền, “người cày có ruộng” xưa cũ. Nông dân cần được giải cứu khỏi suy nghĩ bảo thủ “ly hương, không ly nông”, găm giữ những thửa ruộng manh mún, phân tán, coi đây là “sổ bảo hiểm”. Nhà băng không thành lập nổi ngân hàng ruộng đất… và dĩ nhiên, cần có trước hết là thay đổi nhận thức, tư duy kinh tế, hoạch định chính sách và cụ thể hóa nó trong thực tiễn cuộc sống. Nếu thế, hãy giải cứu tư duy bó buộc bấy lâu về một nền nông nghiệp lạc hậu trì trệ, chạy theo sản lượng, ít quan tâm tới thị trường, giá cả, thương hiệu và giá trị gia tăng khác.

 

http://baocongthuong.com.vn