Giải mã xu hướng lựa chọn vật tư nông nghiệp của nông dân Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Thị trường nông thôn tại Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Xu hướng lựa chọn nào của người nông dân Việt Nam về phân khúc thị trường này là câu hỏi được đặt ra?
Ảnh minh họa

Chất lượng, có uy tín và ít rủi ro yếu tố quyết định

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông (67,46 triệu người). Diện tích đất nông nghiệp đạt gần 26 triệu ha năm 2018 và dự kiến đạt 27,04 triệu ha vào năm 2020.

Nhiều DN trong và ngoài nước đang để mắt đến thị trường nông thôn tại Việt Nam như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đa số các DN vẫn bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng này do còn thiếu thông tin và các nghiên cứu kỹ lưỡng về thói quen tiêu dùng và xu hướng lựa chọn vật tư nông nghiệp nơi đây.

Theo khảo sát tổng hợp của Vibiz.vn, hầu hết các hộ gia đình nông thôn làm nông nghiệp nên chi phí cho vật tư nông nghiệp cao. Trong đó, phần lớn chi tiêu cho gieo trồng là đầu tư vào phân bón (30%) và thuốc bảo vệ thực vật (28%), chi tiêu cho chăn nuôi thì thức ăn chiếm tỷ trọng về chi phí nhiều nhất: 34% tổng chi phí cho chăn nuôi. Có 3 yếu tố để người nông dân ra quyết định lựa chọn sử dụng vật tư nông nghiệp (sản phẩm, cá nhân, môi trường). Trong đó, yếu tố sản phẩm chiếm tới 67,3% để người nông dân đưa ra quyết định mua cuối cùng.

Nguồn Vibiz khảo sát, tổng hợp

Để đánh giá một sản phẩm thì chất lượng là yếu tố tiên quyết hàng đầu (51,79%), ngoài ra người nông dân còn quan tâm đến thương hiệu, giá thành, mẫu mã, nguồn gốc của sản phẩm khi chọn mua.

Báo cáo cũng nêu rõ: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm vật tư nông nghiệp, riêng phân bón đã có tới 6.000 loại sản phẩm. Nông dân lại ít tiếp xúc với truyền thông, họ có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm đã hiểu rõ, đã từng sử dụng. Điều này cho thấy, mặc dù kinh tế và tài sản của người tiêu dùng nông thôn có khá hơn, nhiều người vẫn cân nhắc chi tiêu một cách cẩn thận, họ thích các sản phẩm chất lượng, có uy tín và ít rủi ro.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, đa số người tiêu dùng ở nông thôn quan tâm đặc biệt đến những người xung quanh, quan hệ trong gia đình và cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày. Họ lắng nghe và tin tưởng vào lời khuyên từ mọi người, kết quả là, quyết định của họ thường bị chi phối và bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Hơn 70% người tiêu dùng ở nông thôn bị ảnh hưởng bởi gợi ý trước khi ra quyết định mua sắm.Trong đó nhà phân phối là người tác động cuối cùng, người tác động lớn nhất.

Chiến lược nào để thành công ở thị trường nông thôn Việt Nam?

Báo cáo cho biết thêm, Việt Nam tồn tại nhiều nhóm người tiêu dùng nông thôn đa dạng nhưng thái độ và hành vi tiêu dùng của họ vẫn có nhiều điểm chung. Đó là mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của mình, quan tâm đến sự trung thực của sản phẩm và cần được đảm bảo trong mỗi quyết định. Năm 2017, mức thu nhập trung bình của người nông dân đạt 33 triệu đồng/người/năm, (tức 2,75 triệu đồng/người/tháng).Người dân nông thôn chi tiêu ít vào nhà ở, điện, nước, lương thực, vì họ có thể tự cung được lương thực. Tuy nhiên họ vẫn phải chi đến 33% cho nhu cầu cơ bản. Hầu hết các hộ gia đình nông thôn làm nông nghiệp nên chi phí cho vật tư nông nghiệp cao. Phần còn lại cho các dịch vụ khác.

Theo các chuyên gia, nông dân đang là đối tượng khách hàng quan trọng của nhiều DN, việc hiểu được họ là ai, họ mua gì, ở đâu, mua như thế nào và nắm bắt phương pháp tiếp cận hiệu quả sẽ là chiến lược quan trọng để thành công. DN cần hiểu được giá trị của người nông dân, mang đến những sản phẩm trung thực và bảo đảm bằng cách giữ vững những cam kết của thương hiệu, chia sẻ ý thức cộng đồng, kết nối và chăm sóc những người ủng hộ thương hiệu mình nhằm tận dụng sức mạnh của truyền miệng. Biến mỗi người bán hàng thành một đại sứ thương hiệu là những chiến lược để thành công ở thị trường nông thôn.