Giải pháp nào 'cứu' nông dân trồng hồ tiêu?
- Thứ ba - 17/03/2020 11:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cách làm "2 trong 1"
Bình Phước là một trong những tỉnh diện tích trồng tiêu lớn nhất cả nước, nhưng gần đây giá hồ tiêu liên tục xuống dốc (chỉ còn dưới 40 ngàn đồng/kg) khiến nông dân lao đao.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 17.000 ha hồ tiêu, vượt quy hoạch gần 7.000 ha. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh ở mức đáng báo động với trên 1.000 ha, khiến nhiều nông hộ loay hoay tìm giải pháp cứu chữa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đi đầu là huyện Lộc Ninh (thủ phủ hồ tiêu của Bình Phước) đang phát triển mô hình “2 trong 1” trồng tiêu kết hợp nuôi dê đem lại thu nhập khá cho người dân, nhiều hộ tăng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đơn cử như anh Đặng Văn Tuấn (ngụ xã Lộc Thuận) mạnh dạn phá bỏ 8/10ha hồ tiêu của gia đình đã già cỗi và nhiễm bệnh chuyển trồng cỏ để nuôi đàn dê hơn 50 con.
Anh Tuấn cho biết, dê là con vật dễ nuôi, ít bệnh tật và công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Ban đầu với ý nghĩ nuôi dê chủ yếu để có thêm thu nhập phụ nhưng khi hồ tiêu xuống giá, con dê đã trở thành “cứu cánh” kinh tế gia đình.
Mạnh dạn đầu tư nên từ 10 con dê sinh sản, chỉ sau 6 tháng nuôi, anh Tuấn đã sở hữu đàn dê 50 con, với giá bán ổn định 100.000 – 150.000 đồng/kg được thương lái đến tận nhà mua đã đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng. Đàn dê cũng cung cấp 2 tấn phân hữu cơ chất lượng để bón cho cây trồng.
Còn tại huyện Bù Đốp, nhiều nông hộ trồng tiêu cũng đang kết hợp nuôi dê và cải tạo đất nhiễm bệnh để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.
Đơn cử như gia đình ông Lê Hữu Trí (ngụ xã Thanh Hòa) đã chuyển toàn bộ diện tích hồ tiêu sang trồng quýt đường. Với bước đi táo bạo này, vườn quýt hơn 1.000 cây mang lại thu nhập cao. Có thời điểm giá quýt dao động từ 15.000 – 22.000 đồng/kg, ông Trí thu lợi nhuận lên tới 500 triệu đồng.
Mở rộng chuỗi liên kết sản xuất
Việc ra đời các hợp tác xã (HTX) kiểu mới và tổ liên kết sản xuất nông sản sạch đang là hướng đi bền vững của nhiều nhà nông Bình Phước nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm và nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp.
Được thành lập từ năm 2017, HTX bưởi da xanh Bù Đốp đang được xem là một trong những cánh chim đầu đàn trong liên kết sản xuất trái cây sạch. Sau 4 năm trồng và chăm sóc 70 ha, bưởi của HTX đang phát triển tốt và bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 400 - 500 tấn bưởi với giá bán từ 30.000 – 70.000 đồng/kg đã đem lại thu nhập ổn định cho 18 xã viên từng lao đao với cây hồ tiêu.
Ông Nguyễn Văn Bắc, thành viên hội đồng quản trị HTX, cho hay: Hiện nay, nhu cầu bưởi da xanh trên thị trường trong và ngoài nước ngày càng lớn; trong khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hiện chưa đủ sản lượng để xuất khẩu chính.
Nhận thức được điều này nên hướng đi của HTX là sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học, giảm thuốc BVTV và tăng chất lượng sản phẩm. Việc thành lập HTX bưởi da xanh Bù Đốp là kết quả bước đầu thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể của huyện.
Qua đó mở rộng kiên kết, hợp tác để tạo ra chuỗi sản xuất công nghệ cao, tạo cơ hội để nông sản vươn ra thị trường thế giới, nâng cao thu nhập nhà nông.
Tương tự, HTX tiêu sạch bền vững Hưng Phước với 80 xã viên cùng diện tích đất canh tác trên 300 ha, trong đó chủ yếu là hồ tiêu. Tuy nhiên, cách làm của HTX hoàn toàn khác với các nông hộ trồng tiêu khác.
Cụ thể, đa số thành viên HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phảm với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và được cấp chứng chỉ sản xuất tiêu sạch theo tiêu chí R.A. Ông Nguyễn Văn Tiến (thành viên HTX) có 3.000 trụ tiêu và từ khi tham gia vào HTX, sản lượng hồ tiêu luôn có giá trị cao hơn so với giá thị trường.
“Mỗi kg hồ tiêu làm ra, nếu thực hiện đúng hợp đồng ký kết với Công ty Nedspice thì sẽ được thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 – 4.000 đồng/kg. Khi liên kết, nhà nông được hỗ trợ về kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để giá thành ưu đãi, loại bỏ các chi phí không cần thiết”, ông Tiến nói.
Ông Bùi Quốc Hai, Giám đốc HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước cho biết, người trồng tiêu tham gia HTX tiêu liên kết và sẽ được trực tiếp kiểm soát quy trình sản xuất của nhau nên chỉ cần 1 xã viên có hành vi gian lận thương mại hoặc cố tình sản xuất không theo quy trình thì hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp không còn giá trị.
HTX kiểu mới sẽ gỡ được nút thắt hạn chế trong sản xuất nông nghiệp truyền thống là tạo ra cánh đồng lớn, sản lượng lớn, đảm bảo quy trình kỹ thuật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết để nông sản có đầu ra bền vững.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, ngành nông nghiệp khuyến khích các hộ nông dân chú trọng chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hàng hóa, có hợp đồng với doanh nghiệp nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn, được chứng nhận VietGAP, hướng tới chứng nhận hữu cơ.
Để tháo gỡ khó khăn cho hồ tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh khuyến khích người dân phát triển cây ăn trái theo hình thức HTX, từng bước liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các HTX về giống, kỹ thuật, kho bãi, điều kiện đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm.
“Trước mắt, ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn, mở rộng vùng sản xuất cây ăn trái, đặc biệt là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi, mít Thái, xoài, nhãn... Đồng thời hỗ trợ đào tạo quản trị, kỹ thuật để HTX có thể tự hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ. Tránh sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không có hợp đồng, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu thị trường”, bà Tuyết nhấn mạnh.