Giải pháp nào phát triển HTX kiểu mới ở Đồng bằng sông Hồng?

Để không bỡ ngỡ triển khai phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm quy mô lớn, Cụm Liên minh HTX các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã kiến nghị cần có sự chỉ đạo chuyên môn của Liên minh HTX Việt Nam về mô hình HTX kiểu mới, làm cầu nối gắn kết hộ nông dân với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn các tỉnh ĐBSH có 3.896 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 2.260 HTX nông nghiệp với gần 1,2 triệu thành viên, 1.636 HTX phi nông nghiệp và các quỹ TDND cơ sở.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Vùng châu thổ ĐBSH có nhiều tiềm năng phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, gồm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đó là thuận lợi để phát triển mô hình HTX kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có quy mô lớn.

Từ khi có Luật HTX 2012, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách lớn về dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng và tham gia xây dựng nông thôn mới.

Song như thực trạng chung toàn quốc, phổ biến các HTX vùng ĐBSH chưa mạnh dạn góp vốn để đầu tư, nên hiệu quả hoạt động chưa cao. HTX “đuối sức” không bắt kịp nền kinh tế thị trường. Một số quy định của Luật HTX 2012 không phù hợp và gây khó dễ cho HTX, dẫn đến quá trình chuyển đổi HTX theo luật mang tính hình thức, chưa tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc của Luật HTX.

Theo phản ánh của Cụm Liên minh HTX các tỉnh ĐBSH, đa số các HTX quy mô nhỏ, chủ yếu khó khăn do thiếu vốn, thiếu đất đai để đầu tư mở rộng hoạt động. Đại bộ phận HTX chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn tín dụng khác vì không có tài sản thế chấp.

Trong khi công tác xây dựng mô hình HTX, các mô hình liên kết HTX - HTX, HTX - DN còn gặp nhiều lúng túng, thì ở nhiều tỉnh chưa thể chế hóa các chính sách của Nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX, nhất là cơ chế chính sách theo Quyết định 2261/QĐ-TTg về chương trình hỗ trợ HTX giai đoạn 2015 - 2020.

Các DN đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít, nên nhiều HTX còn ít mối quan hệ hợp tác, liên doanh với DN, từ đó làm hạn chế lớn quá trình hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất và khai thác thị trường.

Khảo sát HTX kiểu mới nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hải Dương

Giải pháp nào?

Tại cuộc giao ban Cụm gần đây, Liên minh HTX các tỉnh ĐBSH đã thảo luận tìm ra 7 giải pháp xây dựng và phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, gồm: tham mưu chính sách, thị trường, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, vốn, đất đai...

Cụm Liên minh này cho rằng trong khi Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn chưa thực sự hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố cần ban hành chính sách đặc thù giúp HTX kiểu mới, chủ yếu hỗ trợ tích tụ đất đai, tín dụng, đào tạo, công nghệ, mở rộng thị trường. Cần nhất là UBND các tỉnh cần có kế hoạch phân bổ kinh phí, định mức hỗ trợ HTX theo Quyết định 2261 và các văn bản liên quan.

Các tỉnh, thành phố cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng, trong đó DN đóng vai trò trung tâm kết nối chuỗi. Để chuỗi cung ứng này thực sự cạnh tranh cao, các địa phương mời gọi DN đủ tâm huyết và đủ năng lực nghiên cứu thị trường, đặt hàng đối với hộ nông dân thông qua HTX về chủng loại, số lượng, chất lượng và tổ chức phân phối.

Nhằm khơi thông thị trường cho các HTX, các cấp ngành hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, trong đó tổ chức thường xuyên hơn các hội chợ dành riêng cho khu vực HTX, tạo động lực thúc đẩy HTX củng cố xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng và triển khai đồng bộ cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử…

Mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa có nhiều đặc trưng mới, nên trong công tác triển khai ở các địa phương còn nhiều bỡ ngỡ. Để khắc phục thực tế đó, Cụm Liên minh HTX các tỉnh ĐBSH cho rằng Liên minh HTX Việt Nam cần có sự chỉ đạo về chuyên môn, nhằm xây dựng HTX làm cầu nối gắn các hộ nông dân với DN tiêu thụ sản phẩm, mang lại nhiều hơn lợi ích cho nông dân.

Ngoài những kiến nghị đến các cấp ngành, Cụm Liên minh HTX các tỉnh ĐBSH đã đề nghị Liên minh HTX Việt Nam có những hướng dẫn cụ thể để HTX từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, đồng bộ về kết cấu hạ tầng cũng như áp dụng tiến bộ công nghệ vào thâm canh sản xuất, phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Lưu Đoàn
http://thoibaokinhdoanh.vn/