Giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng nông thôn mới trước 2019

Giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng nông thôn mới trước 2019
Với 469/473 đại biểu có mặt nhất trí, Quốc hội đã Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Quốc hội đặt mục tiêu: đến 2020, cả nước có 50% số xã đạt nông thôn mới.

Điểm lại những kết quả và tồn tại trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới thời gian qua, Nghị quyết lần này của Quốc hội đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

 

Nghiên cứu sửa đổi những tiêu chí chưa phù hợp của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Xây dựng các tiêu chí nâng cao để áp dụng cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp.

 

 

Thông qua Nghị quyết về nông thôn mới là hoạt động cuối cùng khép lại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14. Sáng nay, Quốc hội bế mạc.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình. Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Riêng các địa phương tự cân đối ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi) phải chủ động bố trí ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018.

 

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong thực hiện Chương trình.

 

Triển khai Chương trình phải đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cơ cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường.

 

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển; phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; thúc đẩy và nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

 

 

Nghị quyết về nông thôn mới được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao

Nghiên cứu sửa đổi chính sách về đất đai để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến hành cơ giới hóa, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa lớn; có chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ mạnh hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường gắn kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 40%; nâng cao hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.

 

Thực hiện phối hợp hiệu quả các nguồn vốn, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm; gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu; ngoài nguồn vốn đã được Quốc hội bố trí cần có giải pháp huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác; các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, xã nghèo, xã an toàn khu, vùng căn cứ cách mạng, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Ban hành chính sách bảo hiểm gắn với tái bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp áp dụng cho các loại sản phẩm nông nghiệp chủ yếu.

 

Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế; tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ cộng đồng thôn, bản làm công tác xây dựng nông thôn mới...

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân...

 

Giữ vững mục tiêu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn, đồng thời có biện pháp hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa nông thôn

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình...

Nguồn: cand.com.vn