“Giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện”

Đây là phương châm về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra trong giai đoạn 2008 - 2012 nhằm thực hiện tốt Nghị quyết TW7 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

 

Ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Thường trực Ban Chỉ đạo TW sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về việc thực hiện nghị quyết này.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Công nghiệp phục vụ nông nghiệp

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bộ mặt khu vực kinh tế này của Vĩnh Phúc đã có những bước chuyển lớn. Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, từ ngày tái lập tỉnh năm 1997, từ một tỉnh thuần nông, nền kinh tế của Vĩnh Phúc đã có sự chuyển dịch lớn theo hướng CNH-HĐH. Khu vực phi nông nghiệp phát triển nhanh, thu ngân sách trên địa bàn tăng trưởng lớn nên tỉnh càng có điều kiện đầu tư mạnh cho nông nghiệp.

Nói thêm về tiến trình thực hiện nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng cho hay, quan điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh là hỗ trợ cho nông nghiệp - nông thôn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đồng thời tăng thu ngân sách để tái đầu tư cho khu vực này. “Trước hết là phát triển lực lượng sản xuất, trong đó chú trọng phát triển nguồn lực con người, tạo môi trường thuận lời giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế và tạo điều kiện cho nông dân chủ động đầu tư phát triển nông nghiệp”, ông Vọng nói.

Ngoài ra, tỉnh tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, xây dựng NTM nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. “Mấu chốt của vấn đề là làm thế nào từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và các thành phần xã hội khác, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Đây mới chính là mấu chốt của vấn đề”, ông Vọng khẳng định.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, đúng và trúng, nên bộ mặt nông thôn của Vĩnh Phúc từng bước thay đổi theo hướng tích cực. GDP bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2010 đạt hơn 12 triệu đồng, vượt 12% mục tiêu của Nghị quyết. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt ngưỡng 20 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 18% năm 2005 giảm xuống còn 6,5% năm 2012. Vĩnh Phúc đã cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Hiện tỉnh không còn xã nghèo.

Về SX nông nghiệp, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng hàng hóa. Do đó, năng suất lúa bình quân đạt hơn 56 tạ/ha, giá trị thu nhập bình quân đất canh tác tăng từ 70 triệu đồng/ha năm 2009 lên 120 triệu đồng/ha năm 2012. Các lĩnh vực khác như lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi… cũng có những bước phát triển khá.

Một trong những đột phá của Vĩnh Phúc là triển khai xây dựng NTM. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng đầu tư thực hiện chương trình. Đến năm 2011, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh đi đầu trong việc hoàn thành lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Tỉnh tập trung đầu tư cho 20 xã điểm để rút kinh nghiệm về phương pháp tổ chức, cách thức quản lý, hình thức huy động nguồn lực, đặc biệt là huy động sức dân.

Đến nay, hầu hết các xã đã đạt 13 - 15 tiêu chí, những tiêu chí còn lại sẽ hoàn thành trong năm nay. Toàn tỉnh đã có 79/112 xã đạt từ 5 - 10 tiêu chí, 33 xã đạt 11 - 15 tiêu chí.

 Tạo cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, song Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận trong phát triển nông nghiệp, nông thôn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản còn thấp, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển chậm. Đời sống của nông dân tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nếu so với thành thị và các vùng kinh tế khác.

“Mắc nhất của Vĩnh Phúc là khâu chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Hiện tượng nông dân bỏ ruộng không canh tác, nhưng không chịu trả, hoặc khoán cho người khác làm, là tương đối phổ biến. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn nhiều bất cập”, ông Hùng cho hay.

Một thực trạng của Vĩnh Phúc khiến chính quyền đang rất lo lắng, đó là tình trạng thất nghiệp của nông dân có chiều hướng gia tăng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 350 nghìn lao động nông thôn, thì mới có khoảng 200 nghìn lao động được giải quyết việc làm, đó là kể cả lao động trong các khu công nghiệp. Với tốc độ gia tăng nhân lực như hiện nay, khoảng 20 nghìn lao động/năm, thì vài năm tới, nếu không có giải pháp cụ thể, thiết thực, đây sẽ là gánh nặng cho khu vực nông thôn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Nghị quyết TW7 thực sự là một nghị quyết đúng đắn, hợp lòng dân và đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, nhưng khi có nghị quyết, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã vào cuộc quyết liệt và đạt những kết quả đáng khích lệ.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, Vĩnh Phúc nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung cần đánh giá một cách cụ thể, sát với thực tế tình hình thực hiện nghị quyết, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. “Phải bắt đầu từ phương hướng sản xuất nông nghiệp. Đó là rà soát để tìm hướng đi tạo sự đột phá. Mấu chốt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương, tạo giá trị gia tăng bền vững, qua đó tăng thu nhập và việc làm cho nông dân”, Bộ trưởng lưu ý.

Ngoài ra, cần tổ chức lại sản xuất, đặt thị trường là trọng tâm. Việc này ngoài Nhà nước, nông dân, thì vai trò của DN là quan trọng nhất. Do đó, có các cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Một giải pháp quan trọng nữa là tỉnh Vĩnh Phúc cần điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư công. Kinh phí của Nhà nước chỉ mang tính chất kích cầu, còn lại là khuyến khích tư nhân đầu tư. “Đồng thời với việc này, KHKT trong nông nghiệp cần được ứng dụng rộng rãi hơn nữa. Ở miền Bắc, ngoài Hà Nội, tôi kỳ vọng vào Vĩnh Phúc trong việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Cùng ngày, Bộ trưởng đã đi thăm mô hình NTM tại xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc

Theo nongnghiep.vn