Giảm lãi suất cho vay thêm nhiều lĩnh vực khác

Từ ngày 7/6, mức lãi suất huy động cao nhất tại Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm xuống còn 10,5%/năm, áp duy nhất tại một kỳ hạn là 1 tháng. Mức 10%/năm chỉ được áp ở hai kỳ hạn 2 và 3 tháng; các kỳ hạn 6 - 24 tháng chỉ còn 9,5%/năm; các kỳ hạn 36, 48 và 60 tháng chỉ còn 8%/năm. Trước đó, Vietcombank áp đồng loạt mức lãi suất 11%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng; các kỳ hạn dài hơn là 10%/năm.
Giảm lãi suất cho vay thêm nhiều lĩnh vực khác

Như vậy, trong tuần qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 17 điều chỉnh giảm 1%/năm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng Việt Nam đồng của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động khoảng 1-2,5%/năm; trong đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dài (trên 12 tháng) giảm mạnh hơn so với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng.

 


Hiện nay, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện ở mức 2,4-3%/năm, ổn định so với trước khi điều chỉnh giảm lãi suất; lãi suất tiền gửi dưới 01 tháng phổ biến 2,8-3%/năm; lãi suất tiền gửi trên 01 tháng đến 12 tháng ở mức 10,5-11%/năm, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng ở mức 9-11%/năm, trong đó lãi suất của một số Ngân hàng Thương mại như Công Thương, Đại Dương, Đông Á… ở mức thấp hơn là 8-8,5%/năm đối với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

 


Cùng với việc giảm trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được điều chỉnh giảm xuống 14%/năm…/.