Giảm nghèo ở huyện Điện Biên, Điện Biên Tập trung đào tạo nghề, phát triển sản xuất

Giảm nghèo ở huyện Điện Biên, Điện Biên Tập trung đào tạo nghề, phát triển sản xuất
Để giúp nhân dân từng bước thoát nghèo, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã và đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường tập huấn, chuyển giao KHKT, nâng cao công tác đào tạo nghề đối với các xã, thôn bản khó khăn.
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp

 Thời gian tới, huyện Điện Biên chú trọng xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thác mọi tiềm năng của vùng nhằm thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp như: Sản xuất xi măng, thức ăn gia súc… khôi phục một số ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống giúp người nghèo vươn lên làm giàu, phấn đấu hàng năm tỷ lệ đói nghèo của huyện sẽ giảm từ 2 - 3%. 

Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nguyễn Hữu Khởi

Giữa tiết trời “bốn mùa” nơi lòng chảo Điện Biên, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nguyễn Hữu Khởi dẫn chúng tôi tham quan mô hình trang trại VACR của gia đình ông Lò Văn Miên (bản Na Ten, xã Hua Thanh). Giữa bạt ngàn đồi núi, ngôi nhà gia đình ông xây kiên cố dưới tán vườn cây ăn quả, phía trước là hệ thống ao, vừa trữ nước tưới cây, vừa kết hợp nuôi cá. Sau khi dẫn khách đi một vòng quanh quả đồi đang trồng gần 10ha cam canh, bưởi diễn, bưởi da xanh… quả sai trĩu cành chuẩn bị thu hoạch, ông Lò Văn Miên cho biết, chỉ tính riêng vườn cam và hàng trăm gốc chanh, bưởi mỗi năm cũng cho thu hoạch hàng chục tấn. Nhờ mô hình phát triển kinh tế đồi rừng và trang trại theo hướng “đa canh, đa nuôi” mà năm qua gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng.

Rời xã Hua Thanh, chúng tôi đến tìm hiểu bí quyết thoát nghèo của gia đình ông Hoàng Văn Linh (đội 6, xã Thanh Hưng). Sau bao năm đói nghèo, năm 2012, gia đình ông Linh quyết định vay 20 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn sinh sản, cải tạo đất để trồng rau và cây công nghiệp ngắn ngày. Giá trị kinh tế mang lại từ trang trại của gia đình ngày một tăng lên, tiền lãi thu về quay vòng để sản xuất. Đến nay, vườn gỗ của ông đã cho khai thác, cộng với xuất bán gia súc đem lại thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 2 lần so với trước kia. Gia đình ông Hoàng Văn Linh đã vươn lên thoát nghèo, tự mình có thể xây dựng, mua sắm tiện nghi phục vụ cuộc sống.


Mô hình trồng ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Thanh Hưng

Trong suốt chuyến hành trình về cơ sở cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khởi tâm sự, với quyết tâm không để đói nghèo đeo bám người dân, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để triển khai những mô hình kinh tế, cách làm hiệu quả mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh điển hình như: HTX Thủy sản Pe Luông; HTX Rau, củ, quả an toàn xã Thanh Xương; HTX Dịch vụ thủy sản Thanh Chăn; Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương… Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt gần 18 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 22%, thành công này được coi là đòn bẩy để tạo phong trào xã hội hóa xóa đói giảm nghèo trên toàn huyện.

Gắn với công tác đào tạo nghề

Cùng với phát triển sản xuất, huyện Điện Biên xác định, đào tạo nghề là một trong những giải pháp trọng tâm giúp nhân dân thoát nghèo. Công tác đào tạo nghề, kỹ thuật canh tác đang được huyện triển khai thông qua Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ và kế hoạch đào tạo nghề theo Đề án 29 xã biên giới. Đồng thời, huyện tổ chức các lớp tập huấn để đào tạo KHKT cho bà con nông dân, định hướng phân luồng cho thanh niên dân tộc tham gia lớp học nghề tại địa phương. Hiện nay, huyện đã đào tạo, truyền nghề và tập huấn kỹ thuật cho trên 5.000 lao động, tập trung vào 3 nhóm: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản.

Với phương châm “học đi đôi với hành”, các học viên vừa được học lý thuyết, vừa được tham quan thực hành ở cơ sở với các mô hình phát triển VAC, VACR… Sau khi được đào tạo nghề, một số học viên còn truyền đạt, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các xã lân cận để phát triển kinh tế. Đến nay, toàn huyện có trên 80% số người có việc làm sau học nghề; các nghề sau đào tạo có việc làm đạt cao là: Nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, trồng nấm, cây ăn quả; chăn nuôi gia cầm, thủy cầm... Ngoài ra, các xã cũng chủ động phối hợp với Công ty dịch vụ, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để tuyên truyền, tuyển lao động phổ thông vào làm việc trong các KCN tại một số tỉnh. Qua đó, đã giải quyết và tạo việc làm mới cho 1.260 người, nhiều lao động có việc làm và việc làm đúng ngành nghề được đào tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Để các lao động nghèo sau khi học nghề có nguồn lực phát triển sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên đã giải ngân cho hàng nghìn lượt hộ nghèo và cận nghèo vay vốn. Hiện nay toàn huyện có khoảng 19.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với tổng dư nợ trên 450 tỷ đồng. Về hướng giảm nghèo trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khởi cho hay, huyện Điện Biên sẽ xây dựng các mô hình điểm và tổ chức nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với việc làm có hiệu quả; thực hiện lồng ghép các chương trình để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo.

Theo Trần Tâm/daibieunhandan.vn