Giám sát cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới: Không chỉ để cho có
- Thứ năm - 13/11/2014 01:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây mới hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh. Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình thực hiện không ít nơi xảy ra tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí, công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng. Để khắc phục tình trạng này cần nhiều giải pháp, trong đó không thể thiếu vai trò giám sát của cộng đồng.
Cộng đồng lên tiếng, tiết kiệm được cả tỷ đồng
Là 1 trong 96 xã thực hiện xây dựng NTM giai đoạn đầu của tỉnh Nam Định, bước đầu xã Yên Bình (Ý Yên) được tỉnh cấp gần 10 tỷ đồng kinh phí thực hiện. Số kinh phí này đã và đang được chính quyền xã sử dụng cho việc xây dựng một số công trình hạ tầng trên địa bàn. Tuy nhiên, dẫn chúng tôi thăm quan một số công trình vừa được xã xây mới, nâng cấp, ông Phạm Nghĩa Bình-Trưởng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) xã không giấu được sự nghi ngại có tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Một trong những công trình ông Bình đề cập đến là con đường trục chạy ngang qua trụ sở UBND xã vừa hoàn thành xây mới. Theo ông Bình, căn cứ Thông tư 26, hướng dẫn thực hiện Quyết định 800 của Chính phủ (phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM), công trình này thuộc loại nhỏ, kinh phí thực hiện không quá 3 tỷ đồng. Theo hướng dẫn, chính quyền xã có thể tự lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, ưu tiên giao việc thi công cho các tổ nhóm thợ ở địa phương nhằm tiết kiệm chi phí, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân địa phương-những người trực tiếp hưởng lợi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, ban đầu chính quyền xã không thực hiện theo quy định trên, mà thuê hẳn một doanh nghiệp lập hồ sơ báo cáo kinh tế-kỹ thuật. Dù đường chỉ dài 650m, rộng 5m, đổ bê-tông nhưng kinh phí thực hiện ban đầu được "vẽ" lên đến hơn 1,8 tỷ đồng, sau rút xuống còn hơn 1,5 tỷ đồng. Chính quyền xã sau đó cũng không giao việc thi công cho một tổ, nhóm thợ nào mà thay vào đó tổ chức đấu thầu thi công với điều kiện chỉ những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới được tham gia.
Ngoài công trình đường trục xã, theo ông Bình, việc đầu tư mở rộng, nâng cấp đường Bần-đường ra đồng của xã cũng đang khiến người dân nghi ngờ có sự khuất tất. Theo đó, đường Bần chỉ dài 700m, việc nâng cấp chỉ là mở rộng mặt đường thêm 1m, đổ bê tông dày 15 phân, kè đá một số đoạn. Tuy nhiên, theo báo cáo quyết toán của chính quyền xã, kinh phí thuê doanh nghiệp thi công lên tới hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, như đã đề cập đường trục xã do dân tự làm có độ dài tương đương, mặt đường đổ bê tông rộng tới 5m chứ không chỉ 1m, độ dày 20 phân chứ không chỉ có 15 phân như đường Bần, nhưng kinh phí xây dựng chỉ hơn 800 triệu đồng. Tương tự, việc thuê doanh nghiệp lợp lại 400m2 tôn của trường Mầm non được chính quyền xã quyết toán hết 353 triệu đồng, bình quân 800 nghìn đồng/m2. Trong khi đó, cũng tại công trình này khi người dân tự làm ngân sách chỉ phải trả 260 nghìn đồng/m2. Đáng tiếc, theo ông Bình, đến nay kiến nghị được giải trình của Ban GSĐTCCĐ chưa được chính quyền xã đáp ứng.
Còn đó không ít khó khăn, trở ngại
Chuyện ở xã Yên Bình (Ý Yên) cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách; giám sát việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở địa bàn khu dân cư. Theo ông Đặng Xuân Hùng-Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nam Định, đến nay toàn tỉnh đã có 186/229 xã, phường, thị trấn thành lập, duy trì hoạt động của Ban GSĐTCCĐ. Mỗi Ban thường có từ 9-11 thành viên, thường là cán bộ Mặt trận, cán bộ các đoàn thể ở cơ sở, người có trình độ, uy tín trong cộng đồng được nhân dân trực tiếp bầu chọn. Qua giám sát gần 1.300 công trình, thời gian qua các Ban GSĐTCCĐ trong tỉnh đã phát hiện 76 công trình có sai phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, xử lý.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBMTTQ tỉnh Nam Định, bên cạnh những kết quả bước đầu, hoạt động của các Ban GSĐTCCĐ ở địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, kết quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân một phần do công việc giám sát, nhất là giám sát việc xây dựng các công trình hạ tầng đòi hỏi nhiều về bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn, trong khi thành viên Ban GSĐTCCĐ phần đông là người "ngoại đạo". Mặt khác, không ít cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát thiếu sự hợp tác, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, che giấu thông tin khiến việc tiếp cận, giám sát gặp khó khăn. Trong khi đó, kinh phí dành cho giám sát cộng đồng quá eo hẹp, mỗi Ban GSĐTCCĐ ở Nam Định hiện chỉ được cấp 2 triệu đồng cho một năm hoạt động.
Theo Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nam Định, để các Ban GSĐTCCĐ hoạt động thuận lợi, hiệu quả cần phải có sự hợp tác của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin phục vụ việc giám sát. Quan trọng hơn, những phản ánh, kiến nghị của Ban GSĐTCCĐ cần được các cơ quan liên quan tiếp nhận, xem xét, xử lý nghiêm túc, kịp thời .
Trần Duy Hưng
Theo: citinews.net
Theo: citinews.net