Giám sát và phản biện xã hội: Kinh nghiệm bước đầu của Hải Dương

Giám sát và phản biện xã hội là một hoạt động khá mới mẻ đối với MTTQ, nhiều người nghi ngại - liệu Mặt trận Tổ quốc có thực hiện được không, hay chỉ làm hình thức. Sự lo ngại đó cũng có cơ sở bởi họ chỉ nhìn lực lượng giám sát và phản biện là những cán bộ chuyên trách ở cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp.
 
 
Nhưng thực tế ở Hải Dương đã chứng minh, Ủy ban MTTQ đã thực hiện giám sát và phản biện đạt hiệu quả. Kết quả giám sát, những kiến nghị xác đáng qua giám sát đã được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao và chỉ đạo tiếp thu; các ý kiến phản biện cơ bản được các cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa và giải trình đầy đủ. Từ kết quả ban đầu đã cho chúng tôi một số kinh nghiệm sau: 
 
Thứ nhất, chọn vấn đề để giám sát. Trong nhiều vấn đề bức xúc, liên quan đến quyền, lợi ích của số đông người dân, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chọn vấn đề thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện giám sát. Vấn đề này được thống nhất tại kỳ họp giữa năm của Ủy ban MTTQ tỉnh, sau đó xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện. Kế hoạch sau đó được báo cáo xin ý kiến cấp ủy, được thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân (để tránh sự trùng lắp), thông báo tới Ủy ban nhân dân (để phối hợp chỉ đạo thực hiện).
 
Thứ hai, tổ chức thực hiện kế hoạch. Giám sát là vấn đề mới đối với Ủy ban MTTQ bởi trước đây, MTTQ chỉ thực hiện giám sát với ba phương thức: động viên nhân dân giám sát, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tham gia giám sát với cơ quan quyền lực ở địa phương- là Hội đồng nhân dân cùng cấp, chưa có việc tổ chức giám sát theo kế hoạch (tức là giám sát độc lập). Chính vì thế, ngay cả trình tự giám sát, nội dung giám sát, phương thức tiến hành,... đều là mới đối với MTTQ cũng như các đoàn thể nhân dân.
 
Việc quan tâm đầu tiên là lực lượng tham gia giám sát. Đoàn giám sát được thành lập gồm những vị ủy viên Ủy ban MTTQ là những người có kinh nghiệm, đã từng là lãnh đạo các ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung giám sát, các vị đại diện các đoàn thể chính trị- xã hội; đồng thời mời đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan tham gia các buổi giám sát trực tiếp. Giám sát được tiến hành theo hai giai đoạn: giám sát qua báo cáo và giám sát trực tiếp tại đơn vị. Để các thành viên đoàn giám sát thuận tiện cho việc khai thác thông tin, Ban Thường trực đã tập hợp các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới, biên tập thành cuốn tài liệu phục vụ giám sát. 
 
Tiếp đến là việc họp đoàn giám sát để thống nhất cách thức tiến hành và tập huấn về kỹ năng đánh giá vấn đề, tìm ra những thiếu sót, hạn chế trong kết quả thực hiện qua báo cáo của đơn vị, kỹ năng nêu câu hỏi, kỹ năng khảo sát thực tế,... những vấn đề tưởng là nhỏ, nhưng nếu không được hướng dẫn, tập huấn cũng sẽ là những khó khăn khi thực hiện giám sát. Đoàn giám sát xây dựng đề cương và yêu cầu đơn vị được giám sát báo cáo theo nội dung đề cương, báo cáo gửi về đoàn giám sát được in và gửi tới các thành viên đoàn để có thời gian nghiên cứu, đối chiếu, xem xét. Trong giai đoạn giám sát trực tiếp, đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế kết quả thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, kiểm tra kết quả các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội; trao đổi tìm hiểu qua ý kiến người dân và người đại diện các tổ chức quần chúng ở cơ sở, từ đó có nhận xét đánh giá khách quan, trung thực. 
 
Cuối cùng, là báo cáo kết quả giám sát, trong đó, đánh giá đúng kết quả làm được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đưa ra những kiến nghị yêu cầu đơn vị được giám sát rút kinh nghiệm, sửa chữa, bổ sung. Một trong những yêu cầu giám sát của MTTQ là phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo trong phong trào quần chúng. 
 
Những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo ở cơ sở
 
- Coi trọng hoạt động tuyên truyền- khâu đi đầu, là trọng tâm, xuyên suốt quá trình thực hiện chương trình, cả trước, trong và sau khi được công nhận Nông thôn mới.; Phát huy tốt vai trò MTTQ  và các đoàn thể nhân dân. 
- Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động.
- Thực hiện triệt để việc công khai, dân chủ.
- Lấy điểm nhân diện: làm điểm ở một vài xóm nhân ra thôn, từ thôn nhân ra xã tạo động lực thi đua thực hiện.
- Vai trò tự quản được phát huy cao độ: Tự quản theo từng xóm, từng thôn, từng dòng họ, từng đoàn thể nhân dân, để nhân dân được bàn bạc và tự tổ chức thực hiện.
 
Thứ ba, về hoạt động phản biện xã hội, sau khi hội nghị liên tịch chuẩn bị kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh, Ban Thường trực đã chủ động lựa chọn một số văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân quyết định có liên quan đến quyền và lợi ích của đông đảo người dân để đề xuất kế hoạch phản biện và đã được UBND tỉnh đề nghị tổ chức phản biện như: vấn đề thu hồi đất thực hiện các dự án; vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; điều chỉnh một số khoản phí, lệ phí; hay chia tách, thành lập mới thôn, khu dân cư,...Với 3 hội nghị phản biện, những ý kiến phản biện có chất lượng, phù hợp với thực tế tình hình địa phương đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và giải trình nghiêm túc, đầy đủ.
 
Với quyết tâm phải làm tốt, làm hiệu quả ngay từ đợt giám sát và phản biện đầu tiên để chứng minh cho thấy năng lực giám sát và phản biện xã hội của MTTQ là hoàn toàn có thể đáp ứng mong đợi của nhân dân, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Hải Dương được các cơ quan, tổ chức đánh giá rất cao, làm tiền đề để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
 
Lương Anh Tế
(Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hải Dương)
Theo daidoanket.vn