Gian nan xây nông thôn mới ở Ngọc Lâm

Gian nan xây nông thôn mới ở Ngọc Lâm
Ngọc Lâm là một xã miền núi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Chương, cũng là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Nghệ An.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm hướng dẫn người dân bản Muồng, xã Ngọc Lâm canh tác chè.
Cán bộ Đồn Biên Phòng Ngọc Lâm hướng dẫn người dân bản Muồng, xã Ngọc Lâm canh tác chè.

Xã có 5 “kỷ lục”

Ngọc Lâm được coi là xã “trẻ” bởi tuổi đời mới hơn 10 năm, vì đây là xã được thành lập do di dân tái định cư của thủy điện Bản Vẽ. Dự án Thuỷ điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương, được khởi công từ năm 2004, đưa vào vận hành từ năm 2010. Để thực hiện dự án đã phải di dời 3.022 hộ dân đến nơi ở mới. Trong đó, có 2.127 hộ phải di dời về các khu tái định cư tập trung ở huyện Thanh Chương. 

Ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết, việc di dời dân từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về đây đã diễn ra từ năm 2006, đến năm 2009 thì mới hoàn thành việc di dời và thành lập xã.

“Đây là xã lập nhiều kỷ lục nhất về tái định cư: xã tái định cư được đền bù ít nhất; xã tái định cư được cấp ít đất nhất; xã tái định cư nghèo nhất; xã tái định cư có nhiều phụ nữ đơn thân nhất và xã tái định cư có tỷ lệ cán bộ giảm biên chế nhiều nhất (do gộp 4 xã di dân thành 1 xã tái định cư). Với lịch sử 10 năm thành lập, thì hơn 5 năm đầu lãnh đạo xã phải gồng mình để thực hiện nhiệm vụ ổn định đời sống cho bà con”, ông Hùng nói.

Những năm đầu tái định cư, hầu hết người dân tại xã Ngọc Lâm lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không có kỹ thuật canh tác trên vùng đất tái định cư đã được giao do đất quá xấu, bị thoái hóa, xói mòn, nhiều diện tích đất đã bị san ủi mất lớp đất màu trên bề mặt không thể canh tác theo kỹ thuật truyền thống của bà con.

Trên các diện tích đất sản xuất đã được giao (bình quân 2.500 m2/khẩu), không có diện tích đất nào có khả năng canh tác được lúa là nguồn lương thực chính của người dân.

Ngọc Lâm là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Nghệ An. Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2014, số hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới (400.000 đồng/người/tháng) là 1.176 hộ, tức tỷ lệ nghèo trong toàn xã là 87,76%. Các hộ không phải hộ nghèo trong xã chủ yếu là các gia đình cán bộ, giáo viên có thu nhập từ lương hoặc một số hộ người Kinh mở cửa hàng buôn bán nhỏ.

Vẫn còn 11 tiêu chí chưa đạt

Đến xã Ngọc Lâm, chúng tôi được giới thiệu đến thăm một số mô hình “làm kinh tế giỏi” trong xã. Điển hình như, mô hình sản xuất của hộ gia đình ông Lương Văn Phượng, Trưởng bản Muồng được coi là điển hình trong xã về phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Ông Phượng cho biết, khi mới đến tái định cư, mặc dù được giao đất đồi, nhưng phải tiến hành khai hoang, cải tạo rất vất vả và mất nhiều thời gian thì đất mới canh tác được. Ba năm nay, được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, cán bộ biên phòng hướng dẫn kỹ thuật trồng chè, giúp đào ao nuôi cá, và hỗ trợ gà giống, cá giống để chăn nuôi.

Gia đình ông Phượng có đồi chè rộng 1,1 ha, hiện cho thu nhập 8 triệu đồng/lứa, mỗi năm thu hoạch 3 lứa. Cùng với thu nhập từ cá, gà… mỗi năm gia đình ông đạt 50 triệu đồng.

Đại úy Xeo Văn Thắng - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên Phòng Ngọc Lâm chia sẻ, hiện Đồn đang hỗ trợ khoảng 100 hộ dân tại địa phương phát triển kinh tế. Đồn Biên phòng nhân giống gà, lợn bản địa tại đơn vị, rồi cấp cho nông dân để phát triển chăn nuôi.

Từ Quỹ vì người nghèo nơi biên giới do cán bộ và chiến sĩ ở Đồn đóng góp, đã trích ra tặng mỗi hộ dân 500 nghìn đồng để đầu tư mua con giống, cây giống. Đồng thời, góp sức lao động hỗ trợ dân khai hoang, cải tạo đất, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác chè, sắn, ngô… Ngoài ra, Đồn đang nhận đỡ đầu 6 em học sinh đến trường.

Đến thời điểm này, đã đưa được tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 47% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt khoảng 14 triệu đồng/năm. Tuy vậy, con số này vẫn quá thấp so với thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh là 43 triệu đồng/năm. Xã đang phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 37% và thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người vào năm 2020.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm hướng dẫn người dân bản Muồng, xã Ngọc Lâm canh tác chè.
Cán bộ Đồn Biên Phòng Ngọc Lâm hướng dẫn người dân bản Muồng, xã Ngọc Lâm canh tác chè.

Nhờ nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế ở xã Ngọc Lâm đang chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ước đạt 4,8%. Tổng giá trị sản năm 2019 toàn xã Ngọc Lâm ước đạt 140 tỷ đồng.

Tuy vậy, tính đến hết năm 2019, xã mới đạt được 8/19 tiêu chí NTM, gồm Quy hoạch, Giao thông, Thủy lợi, Điện, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Y tế, Hệ thống chính trị, An ninh trật tự - xã hội. Hiện vẫn còn 11 tiêu chí chưa đạt gồm Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Bưu điện, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Tỷ lệ hộ nghèo, Cơ cấu lao động, Hình thức tổ chức sản xuất, Giáo dục, Văn hóa, Môi trường.

Theo ông Lương Quang Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm, để hoàn thành được mục tiêu xây dựng NTM, xã còn nhiều việc phải làm, con đường phía trước còn gian nan. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ xã tiền, bằng xi măng để xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cơ chế giúp các khu tái định cư trong việc xây dựng NTM, từ hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người dân, xây dựng nhà văn hóa, trường học, đường nông thôn…

Theo Chu Khôi/nongnghiep.vn