Giàu lên nhờ rừng, chăn nuôi
- Thứ hai - 27/07/2015 23:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trồng rừng, chăn nuôi
Gần 5 năm qua, việc đầu tư trang trại nuôi heo với diện tích trên 1.000m2 đã giúp gia đình anh Trần Ngọc Biên (thôn 3, xã Phú Thọ) thu về 100 triệu đồng mỗi năm. Trang trại của anh nuôi khoảng 800 heo thịt, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa anh bán ra thị trường gần 80 tấn heo thịt.
Hệ thống giao thông ở xã Phú Thọ (Quế Sơn, Quảng Nam) hoàn thiện giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Đ.N |
“Người chăn nuôi mỗi năm luôn được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả và bảo đảm môi trường. Những hộ nào không có vốn thì được tạo điều kiện để vay, nhờ hướng đi này mà cuộc sống người dân trong thôn được ổn định” - anh Biên chia sẻ.
Theo UBND xã Phú Thọ, trên địa bàn xã có 7 trang trại chăn nuôi (6 trại nuôi heo, 1 trại nuôi bò) và hàng trăm gia trại chăn nuôi. Ngoài chăn nuôi, việc phát triển kinh tế rừng đã giúp cho đời sống của đại bộ phận người dân được nâng lên, nhiều nhà nhờ rừng mà sắm được xe, xây nhà mới. Toàn xã có trên 1.400ha rừng (chủ yếu là keo lá tràm) tập trung trên 7 thôn của xã.
Nếu ai lâu không ghé thăm xã Phú Thọ, sẽ không khỏi giật mình khi chứng kiến những đổi thay nhanh chóng tại vùng đất nghèo này. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang nằm san sát nhau cạnh con đường bê tông chắc chắn. Vốn là vùng đất trung du, mùa vụ thiếu nước quanh năm, nhưng giờ đây vùng đất này đã được phủ một màu xanh mơn mởn của rừng cây.
Thu nhập tăng gấp 3 lần
Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Phú Thọ là 39,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,5 triệu đồng/năm. Đến nay, sau 4 năm thực hiện NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, thu nhập bình quân đạt trên 19,5 triệu đồng/người/năm. Hiện tại, Phú Thọ đã đạt được 11/19 tiêu chí NTM và phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 đạt chuẩn NTM. |
“Từ năm 2007, dự án trồng rừng WP3 được triển khai và người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Nếu như trước đây chủ yếu trồng rừng theo tập quán thì sau khi tham gia dự án, người trồng rừng ở xã được học cách trồng hiệu quả, quy trình trồng, thu hoạch đúng thời vụ, tăng sản lượng và giảm được chi phí, thời gian trồng. Tính bình quân, mỗi ha rừng mang lại thu nhập cho người dân khoảng 80 triệu đồng/năm. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt hơn 5,5 triệu đồngnăm thì nay đã tăng hơn 3 lần (hơn 19,5 triệu đồng/năm)” - ông Nguyễn Trường Sang- Chủ tịch UBND xã Phú Thọ chia sẻ.
Theo ông Sang, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua Phú Thọ còn huy động nhiều nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Nhờ đó, bộ mặt của xã đã có những thay đổi nhanh chóng. Địa phương luôn chú trọng việc phát triển giao thông nông thôn, cầu đường phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân. Việc đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng 3 cây cầu Đò Hường, Đập Men (thôn Tân Đông Tây) và cầu Đá Sạch (thôn Phước Chánh) đã giúp người dân lưu thông khá dễ dàng, xóa bỏ cầu tạm và cảnh lụy đò khi người dân vùng này qua lại.
“Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, may mắn của địa phương là được người dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, phong trào hiến đất, ngày công làm đường giao thông là chuyện rất đỗi bình thường tại địa phương này. Năm 2011, khi xây dựng 3 tuyến đường ĐH dài 12km qua địa bàn xã Phú Thọ, người dân tình nguyện hiến gần 10ha đất, cây cối và hoa màu để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng làm đường. Hiện nay, đường giao thông trục xã, liên xã đã cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa, đường trục thôn xóm cứng hóa 21,67km...
Đại Nghĩa - Dũ Tuấn
Theo: danviet.vn