Gió mới ở Quảng Nam

Gió mới ở Quảng Nam
Xã Tam Phước (tỉnh Quảng Nam) là xã duy nhất của khu vực duyên hải miền Trung được Trung ương chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Quảng Nam đã triển khai phong trào này sâu rộng trên khắp các địa phương, trong đó Mặt trận luôn đóng vai trò quan trọng.

 
 Nhờ dồn điền đổi thửa, 
sản xuất đúng quy hoạch nên mùa màng bội thu
 
Hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 206 xã lập quy hoạch xây dựng NTM, trong đó 201 xã đã phê duyệt quy hoạch. Để xây dựng chương trình NTM hiệu quả, 3 năm qua, Quảng Nam đầu tư 235.792 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 146.130 triệu đồng; ngân sách tỉnh 89.662 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn vốn như lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 1.932 tỷ đồng; vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 6.344 tỷ đồng; vốn huy động của nhân dân 202 tỷ đồng.
 
Với tổng vốn đầu tư trên, Quảng Nam đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung dồn điền đổi thửa, đến nay đã thực hiện được gần 17.000/ha đất nông nghiệp và chú trọng công tác cơ giới hoá một số khâu trong sản xuất. Hiện tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất trên 75% diện tích, thu hoạch cơ giới hoá trên 85% diện tích. Cùng với đó là việc gắn với quy hoạch sản xuất nông sản hàng hoá; mở rộng diện tích xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật…
 
Đặc biệt nhiều xã thuộc các huyện miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Hiệp Đức… đã xác định được hướng đi cụ thể, tập trung phát triển các cây, con chủ lực như: trồng cao su hoặc cây nguyên liệu giấy, thâm canh lúa nước và chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả cao. Quảng Nam cũng đã tập trung phát triển các mô hình, đề án phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều dự án khoa học, công nghệ hiệu quả được triển khai và nhân rộng trên toàn tỉnh. 
 
Theo ông Mai Đình Lợi, Phó văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình NTM Quảng Nam cho biết: "Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, số xã cơ bản đạt chuẩn về các tiêu chí NTM được tăng lên. Hiện nhóm xã đạt 14-18 tiêu chí 4 xã; nhóm đạt 9-13 tiêu chí 23 xã; nhóm đạt 5-8 tiêu chí 61 xã, nhóm đạt dưới 5 tiêu chí là 118 xã.
 
Từ những thành quả đó, Quảng Nam không ngừng phấn đấu xây dựng NTM. Theo kế hoạch đề ra đến năm 2015, Quảng Nam sẽ đạt chuẩn NTM 50/206 xã. Riêng trong năm 2013, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh hoàn thành 19 tiêu chí. Đến năm 2015, sẽ đào tạo cho khoảng 10.000 lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đối tượng thuộc lao động nữ, hộ nghèo, lao động bị thu hồi đất sản xuất, lao động khuyết tật. Đặc biệt, Quảng Nam chú trọng xây dựng, phê duyệt đề án phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.
 
Đứng trên cánh đồng của mình, ông Nguyễn Văn Hợi, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh phấn khởi cho biết: "Trước đây, chúng tôi không biết gì đến dồn điền đổi thửa, thậm chí đường sá đi lại cũng rất chật vật và còn nhiều cái yếu kém lắm. Thế nhưng giờ đây đã đổi thay rất nhiều, NTM thật sự đã làm thay đổi từ trong nhà cho đến ngoài đồng, đem lại hiệu quả kinh kế cho người nông dân”. 
 
Làn gió nông thôn mới đang thổi tới Quảng Nam những thay đổi mới, diện mạo mới. Đó là một kết quả rất đáng được ghi nhận. Trong đó, các cấp Mặt trận đã có nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện phong trào này. Đặc biệt là việc vận động mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết phát huy sức mạnh dân tộc, nhằm tạo ra sự chuyển biến thực sự trong đổi mới diện mạo nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần sớm được giải quyết. Trong đó, theo ông Mai Đình Lợi vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM chưa được phát huy cao. Thực tế một bộ phận cán bộ và nhân dân trong xây dựng NTM còn biểu hiện tư tưởng trông chờ ỷ lại. Bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn trên một xã còn rất thấp (4,82 tiêu chí/xã), có 25 xã chưa đạt chuẩn tiêu chí nào. 
 
"Cần xem xét lại việc đánh giá các tiêu chí khi áp dụng với các huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Theo tôi, nên để các huyện này được thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM theo khu vực Trung du miền núi phía Bắc như các xã của các huyện thuộc Nghị quyết 30a”, ông Lợi khẳng định. 
 
TẤN THÀNH (theo: ddk.vn)