Giới trẻ Việt Nam sẽ viết nên câu chuyện khởi nghiệp thần kỳ

“Việt Nam hoàn toàn có thể có những nhà khởi nghiệp mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ quốc tế về quốc gia khởi nghiệp”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tin như vậy khi nhận định về giới khởi nghiệp Việt Nam. Ông cũng tin rằng, năm 2017, phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Chính phủ toàn tâm phục vụ doanh nghiệp

Năm 2016 đánh dấu một năm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, với nhiều thay đổi lớn trong cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Phó thủ tướng đánh giá thế nào về những thay đổi này?

Đại hội Đảng lần thứ XII xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế…

Chủ trương này được thể chế hóa để đáp ứng mong mỏi của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN). Với tinh thần hành động, kiến tạo, liêm chính, Chính phủ đã khẳng định tinh thần toàn tâm, toàn ý phục vụ người dân và DN.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia.

Sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Năm 2016, nước ta đạt kỷ lục về số DN thành lập mới với hơn 110.100 DN, tăng 16,2%, số vốn đăng ký bình quân cũng tăng 27,5% so với năm 2015, đạt mức 8,1 tỷ đồng/DN. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2020, số DN của cả nước sẽ đạt ít nhất 1 triệu DN hoạt động tốt.

Cũng ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về DN, đầu tư, điều kiện kinh doanh, đất đai, xây dựng, đầu tư công, thuế, hải quan, nghiên cứu xây dựng thể chế đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử… nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế đồng bộ, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển DN.

Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm. Các bộ, ngành, địa phương cần gấp rút sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn để hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất - kinh doanh, khởi nghiệp.

Trong cuộc gặp doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu năm 2016, Phó thủ tướng đã nói, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp?

Chính phủ đã có mục tiêu: "Đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo".

Sứ mệnh lịch sử phát triển đất nước đang đặt trên vai tất cả chúng ta, nhất là thế hệ trẻ. 

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và đã chỉ đạo cải cách thể chế, tạo mọi thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó có bảo vệ quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, ưu đãi về đầu tư, tín dụng, thuế, mặt bằng, nhân lực...

Chúng ta cũng có điều kiện thuận lợi về môi trường văn hóa - xã hội. Xã hội chúng ta luôn trân trọng người tài. Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”; tầng lớp trung lưu đang hình thành và phát triển; thế hệ trẻ năng động, nhất là trong hình thành, nắm bắt các ý tưởng, công nghệ mới.

Khởi nghiệp không phải đơn thuần là giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường như trước, mà nay, tinh thần khởi nghiệp phải là của cả quốc gia, của DN nhỏ và vừa, DN lớn, diễn ra không ngừng nghỉ. Chúng ta phải học văn hóa chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm.

Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia và các trung tâm hỗ trợ cho khởi nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức khởi nghiệp; xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách tài chính, tiếp cận tín dụng cho hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, có chính sách liên quan tới thuế, thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn phát triển, có chính sách tín dụng sử dụng trí tuệ như tài sản và tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp.

Là một người trăn trở về hệ sinh thái khởi nghiệp nhiều năm, Phó thủ tướng đánh giá thế nào về giới khởi nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án huy động nguồn lực và tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2017.

Đối với DN trẻ Việt Nam, khởi nghiệp không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là sự trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, phát triển nhận thức và thể hiện giá trị bản thân. Nếu khởi nghiệp chưa thành công cũng không nên xem đó là thất bại, tất cả là thử thách - như cha ông ta đã nói “thất bại là mẹ của thành công”.

Tôi tin tưởng rằng, với phẩm chất thông minh, hiếu học và nhanh nhạy của người Việt Nam, nhất là của các bạn trẻ sớm được tiếp cận với tri thức và khoa học, công nghệ của thế giới, các bạn sẽ đón bắt nhanh chóng lợi ích mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trên thị trường đa quốc gia.

Năm 2017 sẽ là năm phong trào khởi nghiệp phát triển

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư đúng 1 năm trước, Phó thủ tướng, khi đó là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đã nói: “Năm 2016 sẽ khởi đầu một phong trào mới về khởi nghiệp ở Việt Nam, năm bắt đầu cho làn sóng khởi nghiệp theo tinh thần mới”. Còn năm 2017 thì sao, thưa Phó thủ tướng?

Từ thực tiễn khơi dậy tinh thần kinh doanh của năm 2016, tôi muốn nói rằng, năm 2017 sẽ là năm phong trào khởi nghiệp phát triển. Chính phủ sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phong trào này.

Có thể kể như cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh; bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Chính phủ đã đề ra các nguyên tắc để xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.

Tôi muốn nhấn mạnh tới 10 nguyên tắc chính sau.

Một là, Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật. DN có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Hai là, quán triệt thực hiện tinh thần Nhà nước kiến tạo, phát triển, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN  đầu tư, kinh doanh và phát triển trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến DN.

Ba là, Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, minh bạch của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.

Bốn là, Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực.

Năm là, Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng phát triển.

Sáu là, cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm.

Bảy là, các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Tám là, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn DN tuân thủ quy định pháp luật.

Chín là, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Mười là, DN phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhân dịp năm mới Đinh Dậu 2017, Phó thủ tướng muốn chia sẻ điều gì với cộng đồng kinh doanh, giới khởi nghiệp Việt Nam?

Các cuộc cách mạng công nghiệp đều gắn liền với những thế hệ doanh nhân và DN mới.

Thế giới đã minh chứng có nhiều trường hợp khởi nghiệp thành công vang dội. Có những tỷ phú thành danh khi còn rất trẻ, gắn với thương hiệu toàn cầu, như Bill Gate - Microsoft, Mark Zuckerberg - Facebook…, với những tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, tạo ra thay đổi lớn cho xã hội, cho toàn thế giới. Để thành công, trước hết họ là những người có đam mê, hoài bão, dám nghĩ, dám làm và theo đuổi đến cùng đam mê, hoài bão đó.

Người Việt Nam chúng ta nổi tiếng thông minh, sáng tạo. Sinh viên chúng ta luôn được đánh giá cao trong các cuộc thi quốc tế cũng như trong học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng, trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo thời cơ thuận lợi cho tiếp thu các tiến bộ khoa học - công nghệ, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.

Sứ mệnh lịch sử phát triển đất nước đang đặt trên vai tất cả chúng ta, nhất là thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ phải có hoài bão lớn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phải có đam mê và niềm tin vào thành công.

Chúng ta tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể có những nhà khởi nghiệp mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ mong sẽ được chứng kiến những câu chuyện khởi nghiệp thần kỳ, thành công của thanh niên Việt Nam, góp phần đưa nước ta có tên trên bản đồ quốc tế về quốc gia khởi nghiệp, trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực và thế giới trong một tương lai không xa.

Khánh An
http://baodautu.vn/