Giúp nông dân thực hiện tiêu chí môi trường

Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về môi trường có đến 4 trong 5 chỉ tiêu chỉ yêu cầu phải đạt. Đó là cơ sở sản xuất-kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có những hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Chỉ yêu cầu đạt, nghĩa là không phải ở mức cao đến 70 hay 100% như các chỉ tiêu về điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, khu thể thao, nhà ở… thế nhưng việc hoàn thành những chỉ tiêu này thật gian nan, thậm chí ngày càng nảy sinh những khó khăn, những rào cản và nút thắt mới. Trong bối cảnh những yêu cầu về sản xuất và tiêu dùng sản xuất nông nghiệp tại thị trường trong nước và thế giới ngày mỗi cao hơn thì tiêu chí về môi trường càng phải được đặt ra ở mức cao hơn, toàn diện hơn và do vậy, Nhà nước, xã hội cần phải thay đổi cung cách tổ chức, quản lý, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ thiết thực, hữu hiệu để người nông dân đổi mới phương thức sản xuất-kinh doanh, xây dựng cuộc sống theo lề lối khoa học, văn minh.

 
Ảnh minh họa / qdnd.vn   

Trước hết về sản xuất-kinh doanh, rõ ràng người nông dân có lỗi khi hám lời mà bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu và dùng chất kích thích vào cây trồng, vật nuôi sai quy cách. Nhưng gần đây, khi nhiều vùng nông thôn đã tích cực chuyển đổi theo hướng sản xuất thực phẩm sạch thì lại gặp những rào cản, điểm nghẽn trong đầu ra. Theo con số mới được đưa ra từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng nông sản sạch được đưa vào siêu thị mới đạt được từ 10-20% sản lượng sản xuất. Có vấn đề gì đây trong thương mại, lưu thông phân phối? Theo những doanh nghiệp kinh doanh nông sản thì nhược điểm (hay lỗi) của nhà nông là không thực hiện đúng các tiêu chuẩn của VietGAP, không có thói quen ghi nhật ký chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đó là lý do người nông dân không chứng minh được nguồn gốc nông sản theo yêu cầu. Vậy thì vẫn chỉ là lỗi ở nông dân, còn các nhà quản lý, những doanh nghiệp tiêu thụ và những người có trách nhiệm khác không liên quan, không có lỗi?

Ấy là chưa kể nhiều hợp tác xã và hộ nông dân còn có lỗi vì thiếu các loại thủ tục, giấy tờ về kiểm định chất lượng, mẫu mã, tem nhận diện, hóa đơn giá trị gia tăng cũng như còn yếu trong các khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển. Những yêu cầu mới và cao đó là cần thiết và bắt buộc, nhưng ai giúp người nông dân và các hợp tác xã của họ trong những việc làm này? Chính quyền, tổ chức khuyến nông làm gì? Các doanh nghiệp làm gì? Người ta vẫn nói đến chuyện nông dân hay “chạy theo phong trào”. Thì có phong trào lệch hướng, nhưng có phong trào đúng hướng như sản xuất-kinh doanh thực phẩm sạch tại sao không được hỗ trợ, hướng dẫn, thậm chí đúng ra là còn cần cộng đồng trách nhiệm, cùng làm cùng hưởng.

Từ góc độ khác, giúp cho người tiêu dùng cũng tức là giúp cho người sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan quản lý TP Hồ Chí Minh vừa đi đến thống nhất trong việc kiểm soát chợ đầu mối. Hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, vi phạm an toàn thực phẩm sẽ không được đưa vào chợ. Đây là biện pháp hay nhưng nếu thiếu sự trợ giúp, hướng dẫn tổ chức sản xuất theo đúng quy trình quy phạm và kiểm soát chặt chẽ từ gốc nơi người sản xuất, thu gom, không có sự liên kết thực sự giữa các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp với các địa phương khác thì sự thông thương sẽ không đạt yêu cầu mong muốn.

Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn là sự đổi thay văn minh trong nết ăn, nết ở. Phong trào đổ rác đúng chỗ, xây dựng lò đốt rác thải, phong trào không đốt rơm rạ mà thu gom xử lý bằng chế phẩm sinh học, phong trào “sạch làng đẹp xóm”, trồng cây, trồng hoa trong nhà, ngoài ngõ… đang bắt đầu nhen lên trên nhiều làng, xã trong Nam ngoài Bắc. Ý thức người dân bắt đầu từ đó và cần được ủng hộ, đầu tư để nhân lên rộng rãi thành nếp sống mới, thành thói quen tự nhiên.

Nguồn: qdnd.vn