Giúp nông dân vùng trung du thoát nghèo bền vững
- Thứ sáu - 15/01/2016 10:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đoàn công tác chúng tôi may mắn xuống xã Phú Xuân (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đúng ngày giao dịch tại xã của NHCSXH huyện Bình Xuyên. Nhìn khuôn mặt của bà con rạng rỡ, chúng tôi cũng mừng thầm, là những tín hiệu tốt từ vốn vay ngân hàng được sinh sôi, hiệu quả.
Tại hội trường đang thực hiện việc giải ngân, Ông Dương Văn Bể (thôn Can Bi, xã Phú Xuân) cho biết: Sau khi được vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH, cộng thêm vốn tự có, ông đã sửa sang ngay khu chuồng trại, đầu tư nuôi bò sinh sản.
Con bò cái trong chuồng đã nuôi được gần 2 tháng, khoảng 7 tháng nữa sẽ đẻ lứa lầu tiên, hy vọng mang lại thu nhập cho gia đình. Ông Bể phấn khởi nói: “Được vay thêm vốn để chăn nuôi tạo thêm cơ hội sản xuất cho gia đình. Nhờ đó, vợ tôi bị tai biến nhẹ, không làm được việc nặng cũng có thể giúp tăng thu nhập cho gia đình. Với đà này thì cái nghèo sẽ không còn gõ cửa nữa”.
Rời điểm giao dịch xã, chúng tôi được Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn xã Phú Xuân - bà Đặng Thị Thành dẫn đến hộ gia đình vừa mới thoát nghèo Đặng Thị Bằng, 47 tuổi, ở thôn Lý Hải. Chị Bằng kể về câu chuyện vay vốn của gia đình: Năm 2012 được vay 20 triệu từ nguồn vốn NHCSXH qua chương trình Giải quyết việc làm, chị đã mua 2 máy cày. Ngoài việc phục vụ làm đất trên mảnh ruộng nhà, gia đình còn nhận cày thuê, mỗi giờ cày cho thu nhập khoảng 120.000 - 150.000 đồng.
Tiết kiệm làm ăn, gia đình nuôi thêm chim bồ câu. Hiện gia đình chị Bằng có trên 200 cặp chim bồ câu. Tết này nếu thuận lợi, nguồn thu từ nuôi chim bồ câu gia đình sẽ được đón cái tết sung túc hơn năm ngoái. “Gần đây được xã cho biết NHCSXH có nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo, chúng tôi rất phấn khởi hy vọng sau tết được tiếp cận nguồn vốn này trợ thêm lực giúp kinh tế gia đình phát triển” - Chị Bằng nói.
Câu chuyện của gia đình chị Bằng cũng là niềm vui của nhiều nông dân xã Phú Xuân. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Ngay sau khi Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg (Quyết định 28) về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo có hiệu lực, địa phương đã triển khai ngay và đã giải ngân cho 20 hộ mới thoát nghèo, với mức vay là 50 triệu đồng/hộ. Nhận được đồng vốn, hộ nào cũng phấn khởi và bắt tay ngay vào đầu tư sản xuất. “Tôi thấy đây là một chính sách rất thiết thực, giúp cho người nghèo có thêm cơ hội để giảm nghèo bền vững. Những hộ mới thoát nghèo thì làm gì có điều kiện vay vốn ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, những người làm cán bộ triển khai như chúng tôi cũng vui lây”, ông Thắng nói.
Cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục được vay vốn để sản xuất kinh doanh là chính sách mới, nhưng đã được hệ thống NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc tuyên truyền đến tận hộ dân bằng cách phát sự chủ động, hiệu quả của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Việc xác định đối tượng, dự kiến nhu cầu, xây dựng kế hoạch nguồn vốn đã được hoàn tất từ rất sớm. Vì vậy, từ đầu tháng 9 đến nay, những đợt giải ngân nguồn vốn đầu tiên đã đến tận tay hơn 2.000 hộ mới thoát nghèo với tổng dư nợ hơn 80 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn vốn của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu vay của người dân. Ở nhiều địa phương, do nguồn phân bổ còn ít nên nhiều hộ có nhu cầu vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Vì thế, chuẩn bị đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của hộ mới thoát nghèo vay sản xuất, kinh doanh cũng là vấn đề đặt ra với hệ thống NHCSXH.
Theo Lương Xuân/tienphong.vn