Gỡ khó cho “đòn bẩy” ngành thủy sản

(Thủy sản Việt Nam) - Xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn được đánh giá là phù hợp với nguyện vọng của ngư dân nói riêng và chiến lược phát triển ngành thủy sản nói chung. Tuy nhiên gần đến giai đoạn bắt tay thực hiện, vẫn còn nhiều khó khăn.

Cực thu hút đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Trung tâm Nghề cá lớn (TTNCL) sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Việc hình thành các TTNCL nhằm gắn với các ngư trường trọng điểm, các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, các cụm công nghiệp chế biến thủy sản hiện đại; trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các nguồn lực sẵn có nhằm xây dựng các vùng kinh tế thủy sản năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Ngoài ra, việc gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị thủy sản sẽ là bước đột phá để các trung tâm nghề cá trở thành cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong những thập niên tới.

Dựa vào các tiêu chí đặt ra, ngành thủy sản đã xác định được 6 TTNCL (trong đó, 5 trung tâm gắp với các ngư trường trọng điểm, 1 trung tâm phát triển thủy sản gắn với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung). Cụ thể, TTNCL Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; TTNCL Đà Nẵng gắn với ngư trường biển Đông và Hoàng Sa, TTNCL Khánh Hòa gắn với ngư trường biển Đông và Trường Sa, TTNCL Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ, TTNCL Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ và Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung vùng ĐBSCL. Trong 6 trung tâm này thì chỉ có Khánh Hòa được Chính phủ tạo cơ chế đặc biệt, thông qua việc chuyển giao toàn bộ vốn đầu tư cho địa phương. Hiện nay, các TTNCL đang bắt đầu quá trình thực hiện như xác định vị trí xây dựng cảng cá động lực và khu phụ trợ.

 

Cần doanh nghiệp tham gia

Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020), vốn ngành thủy sản qua Bộ NN&PTNT là 1.193 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững là 1.605 tỷ đồng. Vì vậy, số vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Bộ không đáp ứng được nhu cầu. Cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung đầu tư một số dự án bằng nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc cho phép địa phương được phát hành trái phiếu để đầu tư.

Xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn

Hiện các TTNCL đang bắt đầu xác định vị trí xây dựng cảng cá động lực - Ảnh: Huy Hùng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, nguồn vốn xây dựng TTNCL rất lớn, không thể chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách. Có thể đề xuất cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Theo đó, doanh nghiệp có thể khai thác toàn bộ các dịch vụ khu vực trên bở, dưới mặt nước… và quản lý theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các TTNCL được xem là hướng đột phá hoàn toàn có thể làm được, nhằm giải quyết khó khăn về vốn hiện nay, bởi có doanh nghiệp tham gia họ sẽ đảm bảo dịch vụ hậu cần và thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải được tính toán kỹ, xác định hạng mục rõ ràng. Bởi, đối tượng sử dụng cảng cá là ngư dân nghèo, nếu thu phí cao thì việc đầu tư dễ thất bại, trong khi nếu doanh nghiệp đầu tư họ sẽ được quyền khai thác. Do vậy, phải có sự cân nhắc để đảm bảo hoạt động của ngư dân và giúp doanh nghiệp hoàn vốn.  

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, mặc dù các Trung tâm này đóng vai trò cấp vùng, tuy nhiên, địa phương vẫn là chủ lực, khi đó, nếu cần thiết địa phương sẽ phải ứng vốn trước để thực hiện cho kịp tiến độ. Bởi, hiện nay, nguồn vốn ngân sách dành cho xây dựng TTNCL rất khó khăn, trong khi đó vẫn chưa có doanh nghiệp trong và ngoài nước nào tham gia vào quá trình xây dựng.

 

Gỡ khó cho địa phương

Các TTNCL dự kiến bắt đầu thi công vào năm 2016 - 2017 và hoàn thành năm 2019 - 2020. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có Khánh Hòa xác định được địa điểm đầu tư và quy hoạch cảng cá động lực (tại cảng cá Đá Bạc, TP Cam Ranh) và dự kiến khởi công ngay trong năm 2016 khi nguồn vốn đầu tư về; các địa phương còn lại vẫn dự kiến hoặc đang lựa chọn và đợi đơn vị tư vấn tham gia.

Theo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Văn Tám, dù địa phương hoàn toàn có thẩm quyền lựa chọn, tuy nhiên, địa điểm xây dựng TTNCL bắt buộc phải có sự tham gia của các đơn vị tư vấn. Do đây là yếu tố quyết định thành công của Trung tâm, nếu chọn sai địa điểm, cảng cá được xây dựng cũng sẽ trở thành không động lực.

Mặt khác, theo ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, dù đã ấn định thời gian thi công, tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều băn khoăn, nhất là vấn đề phân bổ nguồn vốn, quy mô vốn đầu tư của dự án, thành phần vốn đầu tư vẫn chưa rõ ràng.

Cùng đó, nhiều địa phương gặp khó về kinh phí để giải phóng mặt bằng. Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, một trong những khó khăn trong xây dựng TTNCL tại địa phương là nguồn vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Vì, theo chủ trương, kinh phí này sẽ do địa phương lo liệu. Do vậy, với tổng diện tích 55 ha dành xây dựng TTNCL thì số tiền này lên tới trên 50 tỷ đồng. Tỉnh sợ không bố trí được ví quá lớn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên tại hội nghị, đại biểu các địa phương cam kết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm xác định được địa điểm đầu tư và quy hoạch các TTNCL để đảm bảo thời gian thi công và hoàn thành.

>> Theo dự kiến, tổng mức vốn đầu tư của các TTNCL cần khoảng 14.595 tỷ đồng; trong đó, 5.245 tỷ đồng từ vốn nhà nước (bao gồm vốn ngân sách tập trung, trái phiếu chính phủ và viện trợ ODA), 1.620 tỷ đồng từ vốn đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) và 7.730 tỷ đồng đầu tư từ doanh nghiệp.

Thu Hồng
http://thuysanvietnam.com.vn/