Gỡ khó cho nông dân - Cần cơ chế “khoán 10” mới
- Chủ nhật - 14/07/2013 20:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
- PV: Theo ông, hiện nay người nông dân đang gặp khó khăn như thế nào? >> TS NGUYỄN ĐỖ ANH TUẤN: Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu về xóa đói giảm nghèo nhưng hiện nay khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn đang ngày càng rõ, đặc biệt là nhóm người ở vùng sâu, vùng xa không được hưởng thành quả của tăng trưởng. Bởi phần lớn cư dân ở nông thôn là bà con nông dân, mà đây là khu vực đang gặp nhiều khó khăn nhất. Thời gian vừa qua, đời sống kinh tế của người nông dân đã có tăng chút ít, nhưng hiện nay đang chững lại. Và đang có tình trạng, tỷ lệ hộ gia đình nghèo nhất lại đứng trước nguy cơ càng nghèo hơn, người dân không đủ tiền để đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu. Đó là bức tranh về mức thu nhập của người nông dân đang dần lộ ra. Theo kết quả điều tra 2 năm một lần, thực hiện từ năm 2006 đến nay của chúng tôi thì có tới 42% nông dân cho rằng họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Một trong những nguyên nhân là do thu nhập không tương xứng với kết quả lao động mà họ bỏ ra. Thu nhập khó khăn nên tiết kiệm của hộ gia đình nông dân mỗi năm chỉ được từ 5 - 8 triệu đồng/hộ, thậm chí còn không có tiền để tích lũy, vì thế mà nhiều người rất nghèo. Phần lớn tiết kiệm của họ (khoảng 80%) được giữ dưới dạng vàng hoặc tiền mặt và sử dụng cho mục đích dự phòng khi có rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Rất ít tiết kiệm được giữ cho mục đích đầu tư (chỉ chiếm 15% tổng số hộ điều tra). - Tại sao người nông dân không thể sống dựa vào nông nghiệp? Mức thu nhập của nông dân từ nông nghiệp đang giảm mạnh. Để có thu nhập, họ phải dựa vào nguồn thu phi nông nghiệp, như đi làm thêm, làm thuê ở nông thôn, di cư ra các đô thị làm thuê, buôn bán vặt… Còn nếu chỉ bám vào cây lúa, con heo, gà vịt… ở làng quê như hiện nay sẽ không có thu nhập cao được. Khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, thu nhập từ nông nghiệp bắt đầu giảm, thậm chí thua lỗ, phá sản do nguyên nhân chính là hàng làm ra khó bán, bán được thì giá cũng thấp, trong khi giá đầu vào lại quá cao, tăng liên tục mà không ai kiểm soát được. Thêm nữa, thiên tai, dịch bệnh lại xảy ra liên tục. Chỉ cần một trận dịch, lũ lụt là nông dân mất trắng tài sản. Bây giờ lúa đầy đồng nhưng giá bán ra không hơn giá thành bao nhiêu, thậm chí ngay cả khi nhà nước đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ thì giá cũng chỉ nhích thêm được vài trăm đồng/kg. Với mức tăng đó chỉ giúp nông dân tăng thêm được vài trăm ngàn đồng cho cả vụ, chẳng làm được gì so với giá phân bón, thuốc trừ sâu, thuê mướn nhân công… ngày càng đắt đỏ, tốn kém. Vì thế mà nhiều người phải bỏ ruộng. - Vậy nguyên nhân sâu xa ở đây là gì, thưa ông? Nguyên nhân của hiện tượng giá đầu vào còn cao hơn cả đầu ra là vì hiện nay nông nghiệp của chúng ta cũng đang bị lệ thuộc vào nước ngoài nhiều quá. Từ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, phân bón, nguyên liệu chế biến thủy sản, thậm chí cả giống lúa… cũng đang phải nhập ngoại. Đặc biệt, về thức ăn chăn nuôi gần như phải nhập khẩu hoàn toàn với giá đắt đỏ, thậm chí để cho doanh nghiệp nước ngoài “làm mưa làm gió”, lũng đoạn thị trường. Nhưng sản phẩm chăn nuôi lại không xuất khẩu được bao nhiêu, giá cả bấp bênh, nông dân liên tục “kêu” thua lỗ. Trong khi đó, nền sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chẳng theo quy hoạch, định hướng nào cả nên từ bao nhiêu năm nay người nông dân vẫn đang ở trong trạng trái “bơi tự do”. Tức là đang trồng lúa, nhưng thấy nuôi tôm, ba ba, cá sấu… có lãi cũng đua nhau chuyển sang nuôi tôm, cá sấu. Rồi khi tôm cá mất giá, ế ẩm lại chuyển sang trồng dưa hấu, thanh long, cà phê… Tình trạng ồ ạt trồng, chặt đã dẫn đến “dư cung” như hiện nay và càng làm cho giá giảm, lại càng “trồng, chặt” nhiều hơn. Để khắc phục tình trạng này, giúp nông dân thoát khỏi cảnh “tự bơi”, lâu nay chúng ta thường bàn tới chuyện tổ chức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua những gói hợp đồng như doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác với nông dân trồng lúa, chè, nuôi cá tra… với quy mô lớn, đảm bảo quy trình sạch, tiêu chuẩn hàng hóa, lo bao tiêu sản phẩm nhưng cũng chưa được bao nhiêu. Không có sự liên kết, nông dân phải bán sản phẩm trôi nổi trên thị trường, chất lượng cũng như an toàn thực phẩm không đảm bảo, nên càng dễ mất giá hơn. - Như ông nói, nan giải nhất của nông dân hiện nay là tình trạng “dư cung” nên giá rẻ, làm ăn không có lãi. Vậy cú hích nào để giúp bà con thoát khỏi khó khăn, vực nền nông nghiệp đi lên? Chỉ còn cách là tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp, thực ra là đổi mới về “cái đầu” để tạo ra cơ chế “khoán 10” mới kích hoạt nông dân tiến lên làm giàu trên mảnh đất của mình. Lâu nay, chúng ta vẫn khư khư lo không đảm bảo an ninh lương thực, đó là kiểu tư duy “cái sổ gạo”, lúc nào lúa cũng phải chứa đầy bồ, chắc dạ thì lòng mới yên… nên bắt nông dân phải giữ đất lúa, chỉ được trồng lúa mà không cho chuyển đổi theo quy hoạch sang cây, con hoặc mục đích khác. Giờ đây, chúng ta cần phải chuyển từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng, thành tích sang sản phẩm có giá bán cao, hướng tới xuất khẩu, thực sự tăng thu nhập cho nông dân. - Vậy chúng ta phải làm gì, bắt đầu từ đâu? Do thừa lúa gạo nên giá thấp. Do đó, gần đây chúng tôi đề nghị mạnh dạn cho phép chuyển bớt một phần sang sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bởi như đã nói, hiện nay chúng ta đang phải mua thức ăn chăn nuôi ngoại với giá đắt, tổng tiền xuất khẩu lúa gạo chỉ bằng đúng phần nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Vậy thay vì xuất khẩu hoặc cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta quy hoạch chuyển một phần lương thực hoặc diện tích trồng lúa sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Theo tính toán, thức ăn chăn nuôi đang chiếm 70% cấu phần giá thành sản phẩm chăn nuôi, nên nếu chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp nông dân giảm giá thành chăn nuôi, đồng thời giá trị sản phẩm chăn nuôi cao hơn lúa gạo nhiều. Chúng ta đang có hơn 1 triệu ha lúa kém hiệu quả, theo chúng tôi, đây là diện tích nên ưu tiên chuyển sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, khoai… Giá ngô hiện nay ngang giá gạo, nhưng năng suất ngô lại gấp 5 lần gạo. Do đó, cùng 1 ha, giá trị trồng ngô sẽ nhân lên gấp nhiều lần lúa gạo. Nhưng để chuyển đổi được thì nhà nước phải có chủ trương quy hoạch. Theo tính toán của chúng tôi, chỉ cần giữ 3,2 triệu ha lúa là đủ. Chuyển bớt từ sản xuất sang chế biến để tăng giá trị gia tăng, kéo doanh nghiệp vào đầu tư trên mọi lĩnh vực, kể cả đầu tư nước ngoài. Để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, phải xây dựng các vùng chuyên canh, chứ như hiện nay vì không có vùng chuyên canh nên doanh nghiệp chỉ thích bán giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… cho người nông dân chứ không muốn “ôm” thêm khoản “đầu ra” cho sản phẩm nữa. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ rõ ràng và chính sách đã đưa ra thì phải nhất quán. Cứ chính sách và quy hoạch liên tục “xoay như chong chóng” như hiện nay thì chẳng doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để cùng nông dân làm giàu cả. - Xin cảm ơn ông! PHÚC HẬU (thực hiện) |