Gỡ khó cho sản phẩm làng nghề

Các sản phẩm làng nghề Việt Nam hiện nay khá phong phú về chủng loại, nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc thiếu hệ cơ sở dữ liệu đầy đủ giúp thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin, giới thiệu xuất xứ và chứng nhận về chất lượng hàng hóa đang là rào cản không nhỏ.
Không nhiều sản phẩm làng nghề được đăng ký thương hiệu

Sản xuất rời rạc, phân tán

Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh - cho biết: Để thấy được giá trị của các sản phẩm làng nghề, khách hàng thường yêu cầu phải được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm để hiểu rõ hơn giá trị của sản phẩm từ lịch sử hình thành, nguyên liệu chế tác, sản xuất, sự tinh xảo và sự khác biệt. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm của các làng nghề thường được giới thiệu đến khách hàng thông qua các kênh thông tin như truyền thông, báo chí, các trang web hoặc thông qua các hội chợ triển lãm… Vì vậy, việc cung cấp thông tin, giới thiệu các sản phẩm làng nghề Việt Nam còn quá ít, rời rạc, phân tán, chưa chuyên nghiệp và thiếu tính quốc tế.

Mặt khác, do các làng nghề dàn trải, phân tán nên việc tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm của khách hàng gặp nhiều khó khăn. Các khu vực, tỉnh, thành chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề tập trung cũng như cung cấp nguyên vật liệu, công nghệ phục vụ sản xuất. Đây cũng chính là trở ngại lớn cho khách hàng khi tìm kiếm, mua sản phẩm làng nghề.

Bên cạnh đó, còn có nhiều khâu trung gian làm cho khách hàng không phân biệt được sản phẩm chính hiệu, giá gốc. Thậm chí cùng sản phẩm, cùng thương hiệu của một làng nghề nhưng chất lượng lại không đồng nhất, chưa có nhiều sản phẩm đăng ký thương hiệu và chứng nhận chất lượng sản phẩm. Do đó, sản phẩm làng nghề khó xuất khẩu.

Cần chính sách hỗ trợ tổng thể

Nhằm giải quyết những khó khăn và để làng nghề phát triển, theo TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Viện Đại học Mở Hà Nội, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh trong làng nghề rất cần sự định hướng, hỗ trợ của nhà nước. Theo đó, chính sách hiệu quả, phù hợp, đồng bộ là cơ sở để đưa kinh tế làng nghề phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Bà Hà Thị Vinh kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tổng thể cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làng nghề Việt Nam như: Chính sách hỗ trợ về tài chính giúp các cơ sở sản xuất làng nghề trở thành doanh nghiệp; quy hoạch tạo vùng nguyên liệu bền vững…. Bên cạnh đó, các Hiệp hội làng nghề cần xây dựng lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề, đào tạo và phát triển nghề cho các địa phương; giúp doanh nghiệp, làng nghề xây dựng thương hiệu, đánh giá giá trị, chất lượng của sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm làng nghề cần liên kết, tạo nên sức mạnh từ khâu cung ứng vật liệu, tạo mẫu mã đến phân phối; xây dựng hệ thống hỗ trợ khách hàng đồng bộ, thuận tiện từ khâu quảng bá, ký kết hợp đồng đến triển khai thực hiện…

Chính sách hiệu quả, phù hợp, đồng bộ là cơ sở để đưa kinh tế làng nghề phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.