Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công trung hạn
- Thứ tư - 11/04/2018 10:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thách thức trong giải ngân vốn đầu tư công
2016-2020 là giai đoạn đầu tiên cả nước thực hiện đầu tư công trung hạn, trong khi Luật Đầu tư công với nhiều quy định chặt chẽ sẽ siết chặt đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả của những năm trước.
Trong năm 2016, 2017, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt chỉ đạo tăng cường giải ngân vốn đầu tư công bằng việc lần lượt ban hành Nghị quyết số 60 và 70; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 chỉ thị. Cùng với sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Năm 2016, cả nước giải ngân được 91,3% kế hoạch năm; năm 2017 giải ngân được 85,6% kế hoạch (là năm cả nước xây dựng nhiều công trình đầu tư mới dùng vốn trái phiếu Chính phủ với thủ tục đầu tư phức tạp).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lần đầu thực hiện đầu tư công trung hạn vì vậy hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa có kinh nghiệm nên phát sinh các vướng mắc như giao vốn cho địa phương chậm dẫn tới giải ngân vốn chậm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang nêu cao tinh thần “Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp” vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan phải nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu chiến lược cho Chính phủ.
Ba trở ngại đối với giải ngân vốn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong năm 2018, Nghị quyết số 01 của Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn theo kế hoạch. Đây là thách thức, trong bối cảnh tình hình giải ngân trong những năm qua hết sức chậm trễ.
“Để khắc phục tình trạng này cần phải đánh giá vì sao chậm chễ và phải làm rõ sự chậm trễ”, nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng đã chỉ ra 3 vấn đề gây cản trở đối với giải ngân vốn đầu tư công, cụ thể:
Thứ nhất, vướng mắc các quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định số 77, 36 và 61 của Chính phủ về triển khai Luật.
Thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công chậm gặp khó ở ngay khâu tổ chức thực hiện chậm trễ giữa các đơn vị trực thuộc bộ và giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương khác.
Thứ ba, việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới tư duy quản lý chưa được quan tâm thực hiện và đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung chỉ đạo, phân nhiệm cho chức danh cụ thể phụ trách tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Gỡ bỏ nút thắt...
Để gỡ bỏ các nút thắt làm cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tập trung rà soát, sửa đổi những bất cập của hệ thống nghị định, Luật Đầu tư công. Cụ thể, về sửa đổi pháp luật về đầu tư công, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để đánh giá đúng mặt tích cực, các bất hợp lý của Luật hiện hành và sau 3 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn để đề xuất điều chỉnh.
Từ thực tiễn nhiều địa phương số thu vượt vượt dự toán ngân sách được bố trí vốn đầu tư công cao hơn quy định, ngân sách trung ương được bổ sung lượng lớn tiền thu từ bán vốn và các điều kiện thu hút ODA. Phó Thủ tướng yêu cầu, đánh giá khả năng thu chi, nghiên cứu điều chỉnh gói đầu tư công trung hạn, tập trung cho các công trình trọng điểm, có tính lan toả về kinh tế, xã hội, trên cơ sở bảo đảm chỉ tiêu về bội chi ngân sách, nợ công tới năm 2020 để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, phải tổ chức thị sát các dự án đầu tư công nổi cộm về tiến độ giải ngân tại các địa phương trọng điểm để ghi nhận rõ các khó khăn, làm căn cứ để sửa đổi Luật, Nghị định.