Gỡ rào cản tín dụng nông nghiệp
- Thứ năm - 24/05/2012 02:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
KTĐT - Ngân hàng thường không mặn mà với tín dụng nông nghiệp vì nhiều rủi ro. Người nông dân ngại vay vốn ngân hàng vì thủ tục khó, nếu vay được cũng không đủ mở rộng sản xuất.
Khó vay vốn
Cầm 30 triệu đồng tiền vay vốn từ Ngân hàng Vietinbank thông qua Hội nông dân xã, anh Nguyễn Văn Giang, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) vẫn lo lắng vì chưa biết phải xoay xở thêm vốn bằng cách. Anh Giang chia sẻ: "Gia đình tôi muốn đầu tư trồng hoa chất lượng cao, cần vay khoảng 100 triệu đồng nhưng đã qua nhiều ngân hàng mà không vay được. Thông qua Hội nông dân xã, tôi vay được 30 triệu đồng, cộng với 30 triệu đồng vốn có sẵn... mới chỉ đủ mua cây giống".
Ông Tạ Quang Rồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh cho biết: Hiện có 3 nguồn tín dụng cho nông dân vay vốn sản xuất như Ngân hàng chính sách, Quỹ Hỗ trợ nông dân TP và Vietinbank, với hình thức tín chấp. Tuy nhiên, mức vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ. Với mức vay này, chỉ giúp bà con nông dân giải quyết khó khăn trước mắt, nếu để mở rộng đầu tư sản xuất thì đúng là chưa thấm vào đâu.
Với những mô hình trang trại quy mô lớn và đang có hướng phát triển tốt, việc tìm đến ngân hàng vay vốn cũng không dễ dàng. Trang trại Phúc Thắng, một trong những trang trại lớn nhất huyện Sóc Sơn, với quy mô 1.561m2, tổng đàn lợn luôn duy trì ở khoảng 1.000 con. Mỗi năm trung bình cho xuất chuồng 1.500 tấn lợn hơi, 500 con lợn giống thu lãi hàng tỷ đồng/năm. Thế nhưng, thế chấp tất cả tài sản, đất đai cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ vay được vài trăm triệu đồng. Chủ trang trại, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết: "Số tiền vay được ngân hàng chưa đủ trả tiền cám chứ chưa nói gì đến mở rộng sản xuất".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng "ngại" cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là bởi lĩnh vực này có những khó khăn về chi phí quản lý do đầu tư cao, rủi ro về thiên tai khó lường trước, giá cả nông sản luôn biến động... Tài sản của người nông dân lại không có gì ngoài ruộng vườn, đất nông nghiệp nên giá trị tài sản thế chấp không lớn. Do đó, nếu có vay được thì nguồn vốn vay ngân hàng thường rất thấp, không đủ để người nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp, mở rộng, nâng cao sản xuất.
Tìm tiếng nói chung
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, có nhiều ngân hàng tham gia vào lĩnh vực cho vay nông nghiệp, trong đó có hẳn ngân hàng chuyên về nông nghiệp nông thôn, nhưng thực tế thời gian qua, chưa đáp ứng được nhu của nông dân. Do vậy, cần phải có cơ quan của Chính phủ hỗ trợ cho vay nông nghiệp ngoài ngân hàng. Bởi thực chất, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, họ còn có trách nhiệm với người gửi tiền, với cổ đông... Về phía các ngân hàng, cũng cần xây dựng những chương trình tín dụng nông nghiệp sáng tạo, hiệu quả cùng với nghiệp vụ chuyên môn cao, hạn chế rủi ro. Cải tiến phương thức cho vay vốn của ngân hàng theo hướng giảm bớt các thủ tục, phù hợp trình độ của người nông dân, tạo thuận lợi cho người vay dễ dàng và nhanh chóng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, rào cản lớn nhất về tín dụng nông nghiệp - nông thôn là người nông dân và ngân hàng không tìm được tiếng nói chung. Một phần do mối quan hệ giữa hai bên hầu như không có. Người nông dân thường chỉ tìm đến ngân hàng để vay tiền, ít khi nào tạo mối quan hệ chặt chẽ với giới ngân hàng như gửi tiền vào một ngân hàng, sử dụng các dịch vụ ngân hàng... Thậm chí, người nông dân còn có thói quen vay tiền một ngân hàng này, khi làm ăn có lãi tìm ngân hàng khác có lãi suất cao hơn để gửi. Chính sự quan hệ lỏng lẻo đó đã không đủ tạo cho ngân hàng tin tưởng vào uy tín, an toàn khi cho vay lĩnh vực nông nghiệp. Nếu quan hệ này được thiết lập chặt chẽ, cơ hội có được nguồn vốn của người nông dân cũng dễ hơn và quan trọng, người nông dân có thể vay được số vốn lớn để mở rộng sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ dừng lại ở việc vay vốn để giải quyết khó khăn trước mắt.
Theo Ktdt