HC giới thiệu và bán SP OCOP: Điểm nhấn nâng tầm nông sản địa phương
- Thứ bảy - 28/12/2019 04:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản phẩm cam Vinh thu hút người tiêu dùng Thủ đô.
Liên tiếp tổ chức hội chợ cam, bưởi cuối năm
Năm thứ 4 Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn (Bắc Giang) được tổ chức với mục đích tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung ứng các loại trái cây chất lượng cao, những sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản của các xã, thị trấn trong huyện ra thị trường. Với quy mô 80 gian hàng của nhà vườn, hợp tác xã đến từ 30 xã, thị trấn cùng các doanh nghiệp tham gia, hội chợ đã tạo ra không gian kết nối “4 nhà” chặt chẽ và bền vững trong sản xuất và tiêu thụ nông đặc sản của huyện Lục Ngạn.
Hiện, tổng diện tích cây có múi của Lục Ngạn là hơn 6.700ha (trong đó cam hơn 4.200 ha; bưởi hơn 2.300ha), sản lượng năm 2019 ước đạt khoảng 60.000 tấn. Dự kiến, mùa thu hoạch cam, bưởi diễn ra từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2020.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, hội chợ là dịp để người dân và hợp tác xã ở huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung giới thiệu tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sau sự kiện này, sẽ có nhiều doanh nghiệp, thương nhân, du khách đến tham quan, ký kết tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm nông sản của huyện Lục Ngạn cũng như các sản phẩm nông sản trên địa bàn của tỉnh Bắc Giang.
Hà Giang hiện có 7.067,42ha cam sành, trong đó có 4.268,2ha sản xuất theo quy trình VietGAP, chiếm trên 80% diện tích cam cho thu hoạch; năng suất bình quân đạt 115,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 60.759 tấn.
Niên vụ 2019 - 2020, tổng sản lượng cam của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên ước đạt 49.000 tấn, riêng huyện Bắc Quang có khoảng 40.000 tấn.
Năm nay, Tuần lễ cam sành, các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang tổ chức tại Hà Nội có quy mô 24 gian hàng tiêu chuẩn của 11 huyện, mỗi huyện 2 gian hàng; Công ty TNHH Thành Sơn và Hiệp hội cam sành Hà Giang 3 gian hàng tham gia trưng bày; giới thiệu sản phẩm cam sành.
Cùng với sản phẩm cam sành nức tiếng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hoặc đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc và các sản phẩm OCOP của Hà Giang đạt từ 3 sao trở lên, Hà Giang còn ra mắt các sản phẩm như: Trà xanh, Bạch trà của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì; lạp sườn và thịt treo gác bếp lợn đen vùng cao của Hợp tác xã Hải Khang, huyện Bắc Quang; mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn: “Tuần lễ cam sành, các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang năm 2019” là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của tỉnh Hà Giang trong việc quảng bá, tuyên truyền, phát triển, khẳng định thương hiệu và tiêu thụ rộng rãi các sản phẩm cam và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hà Giang tới người tiêu dùng Thủ đô, khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Ngoài đặc sản nổi tiếng cam Vinh được giới thiệu với quy mô lớn, sự kiện còn có sự góp mặt của sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của các làng nghề; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cam Vinh và các gian hàng trưng bày, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm truy xuất nguồn gốc; giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại và sản phẩm khoa học và công nghệ của tỉnh Nghệ An…
Ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: “Tuần lễ Cam Vinh và sản phẩm, đặc sản Nghệ An tại Hà Nội năm 2019 là dịp để các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của Nghệ An gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh lân cận để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, các đặc sản của địa phương mình; tạo điều kiện cho các đơn vị, nhà vườn, người chăn nuôi tỉnh Nghệ An liên kết tiêu thụ nông, thủy sản chất lượng, an toàn với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản trong và ngoài nước”.
Ngoài ra, còn các hội chợ nông sản của các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang…
Ít người biết đến sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 - 5 sao
Ngoài giới thiệu sản phẩm nông sản, chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay của sản phẩm OCOP vẫn là vấn đề nhà sản xuất liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận xét, do còn có thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cho nên đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.
“Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết và vô cùng quan trọng. Việc ban hành các tiêu chí sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, các sản phẩm có lợi thế của địa phương”, bà Nga cho biết.
Là đơn vị đã đưa được nhiều sản phẩm OCOP lên các chuyến bay để giới thiệu, quảng bá cho hành khách tham gia hàng không, bà Trần Thanh Hà, Phó trưởng phòng tiêu chuẩn, Ban dịch vụ hành khách, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) cho biết, dự án “Bốn mùa hoa trái – Bốn mùa yêu thương” đã trở thành thương hiệu của VNA trong những năm gần đây.
Theo đó, VNA đã chủ động tìm đến các vùng miền trong nước để sưu tầm được 52 loại trái cây, sau đó chế biến và đưa lên các chuyến bay của VNA. Cũng qua dự án này, VNA đã xây dựng được kế hoạch cho từng chu kỳ phục vụ các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền và điều này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía các hành khách.
Tuy nhiên, theo bà Hà, hiện vẫn còn nhiều sản phẩm OCOP của Việt Nam chưa được nhiều người biết đến, ngay cả người Việt Nam chứ chưa nói đến người tiêu dùng nước ngoài. Bởi lẽ, việc xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế, nhà cung cấp và nhà phân phối nhiều khi còn thiếu thông tin của nhau.
“Con đường hình thành được chuỗi tiêu thụ sản phẩm OCOP của VNA dù đã thành công bước đầu nhưng quá trình này cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế là vì sản phẩm OCOP chưa đáp ứng được số lượng cũng như quy trình vận chuyển, giao nhận… Điều đáng nói là, mỗi khi nhà phân phối cần tìm kiếm sản phẩm OCOP, vẫn rất thiếu thông tin về đặc sản của các tỉnh, thành, hoàn toàn không có hướng dẫn hay có sự chủ động liên kết từ các nhà cung cấp”, bà Hà nhận xét.
Cần nhiều hoạt động kết nối
Theo bà Nga, thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo bà Nga, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt.
“Điều này tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác”, bà Nga nói.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho rằng, cần xác định rõ đối với nhóm sản phẩm OCOP là nhóm sản phẩm đặc thù, đặc sản của từng vùng miền. Quan trọng hơn cả, đằng sau sản phẩm OCOP là câu chuyện và là cái hồn văn hóa của nông thôn Việt Nam được kết tinh trong giá trị của sản phẩm.
Theo VN(tổng hợp)/kinhtenongthon.vn