HLV Quảng Bình: Bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2013

HLV Quảng Bình: Bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2013
Ngày 01/3, HLV tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo tình hình hoạt động năm 2012, đồng thời bàn biện pháp và triển khai phương hướng, nhiệm vụ mới.

Đề cập một số chỉ tiêu chủ yếu về ngành nông nghiệp năm 2012 vừa qua, theo báo cáo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh, giá trị sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp chiếm 21,4% GDP toàn tỉnh; sản lượng lương thực 283.891 tấn, đạt 107,1% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa đạt 262.275, tấn, ngô 21.360 tấn. Tổng đàn gia súc 135.210 con, gia cầm 2,36 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 52.000 tấn. Sản lượng thủy sản 56.245 tấn, đạt 110,3% kế hoạch. Các mô hình kinh tế trang trại ngày càng gắn với thị trường, trở thành khâu đột phá trong việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đi lên.

 

Việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề và xây dựng mô hình, theo ông Trương Đình Sơn - Chủ tịch HLV tỉnh, năm qua đã tổ chức được 1 lớp bồi dưỡng công tác tổ chức cho cán bộ hội cơ sở 50 người trong 1 tuần, nhằm củng cố tổ chức cán bộ, xây dựng hội vững mạnh những năm tới. Phối hợp với Sở NN-PTNT (các đơn vị trung tâm, chi cục trực thuộc Sở), Sở LĐTB&XH về chương trình phối hợp và công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình và đào tạo nghề lao động nông thôn như: lớp kỹ thuật chăm sóc cây cao su, hồ tiêu tại huyện Tuyên Hóa; Trung tâm giống thủy sản tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 3,5 triệu cá trắm cỏ từ bột lên cá hương cho 10 hộ nông dân tham gia thuộc chương trình hỗ trợ người nghèo tại xã Võ Ninh, Lương Ninh, huyện Quảng Ninh và cung ứng trên 160 lợn giống thuộc chương trình hỗ trợ chăn nuôi cho hội viên Quảng Trạch. Tổ chức 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại xã Quảng Châu (Quảng Trạch), Hiền Ninh (Quảng Ninh), Hưng Thủy (Lệ Thủy) nghề chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi giun quế, làm VAC và nông nghiệp sinh thái với 96 học viên tham gia đều đạt yêu cầu 100% và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Sau khi học xong trở về địa phương hầu hết học viên đều áp dụng tích cực vào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại của gia đình mình và cộng đồng. 7 HLV cơ sở huyện, thành phố đã phối hợp, lồng ghép với các đơn vị, tổ chức đoàn thể, các chương trình dự án ở địa phương tổ chức 50 lớp tập huấn với 2.500 lượt người tham gia chuyển giao kỹ thuật, tham quan các mô hình làm ăn giỏi cho hội viên, nông dân. HLV Đồng Hới phối hợp tổ chức 18 lớp tập huấn cho 450 lượt người tham gia. HLV Bố Trạch phối hợp tổ chức chuyển giao kỹ thuật 10 lớp gồm 250 người, đào tạo nghề ngắn hạn 3 lớp với 150 học viên. HLV Quảng Trạch phối hợp tổ chức 2 lớp với 30 người tham gia, phối hợp đào tạo nghề lao động nông thôn 1 lớp 30 người tham gia.

 

Năm 2013, HLV tỉnh đề ra mục tiêu phát triển 500 hội viên mới; 55 - 60% tổ chức hội cơ sở vững mạnh; 60 - 65% cơ sở hội có quỹ và thu được hội phí. Tổ chức và phối hợp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 60 - 70 lớp với 3.000 lượt người tham gia, trong đó tỉnh hội trực tiếp 10 lớp 300 lượt người tham gia. Chỉ đạo các huyện, thành hội xây dựng 5 - 7 mô hình VAC, 3 - 5 cơ sở tổ chức hội điển hình/huyện, thành phố. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dự kiến 5 - 6 lớp 150 - 180 học viên. Xây dựng 20 - 35 VAC tình nghĩa (bình quân 3 - 5 vườn/huyện,thành phố). Phối hợp tổ chức thành lập 2 câu lạc bộ trang trại cấp huyện. Phấn đấu 60 - 65% gia đình hội viên sản xuất VAC, trang trại đạt hiệu quả. Tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu dự án hỗ trợ phát triển hầm khí biogs do tổ chức KOICA, cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ.

 

Muốn thực hiện đạt hiệu quả cao, theo ông Sơn cho rằng, cần phát động phong trào thi đua sâu rộng ở các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở với chủ đề: “Thi đua làm kinh tế VAC giỏi để thoát nghèo làm giàu, kinh tế trang trại giỏi và tổ chức xây dựng hội vững mạnh”. Tỉnh hội tập trung chỉ đạo hội cơ sở củng cố tổ chức, xây dựng và thành lập HLV các xã, phường, thị trấn nơi chưa có tổ chức hội chuyên trách, phù hợp với tình hình hiện nay, để tăng cường số lượng lẫn chất lượng hội và hội viên theo tiêu chuẩn “5 có”. Tỉnh hội có kế hoạch báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Nội vụ và đề nghị UBND tỉnh ra chỉ thị “phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại và tăng cường tổ chức HLV các cấp” trong tình hình nhiệm vụ mới; tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở 1 lớp 50 - 60 người. Trọng tâm chỉ đạo phong trào kinh tế VAC, trang trại là lồng ghép các chương trình hoạt động hội vào chương trình các dự án có nguồn kinh phí hỗ trợ. Triển khai chương trình phối hợp công tác giữa hội với Sở Nông nghiệp và PTNT, thông qua các đơn vị trực thuộc như khuyến nông, khuyến ngư, Trung tâm Giống thủy sản, chăn nuôi; Chi cục PTNT, BVTV về đào tạo nghề, xây dưng mô hình, chuyển giao kỹ thuật, thành lập và xây dưng các CLB… Lập kế hoạch, đề nghị Sở LĐTB-XH về chương trình đào tạo nghề cho người nghèo và lao động nông thôn, chương trình hỗ trợ cho các xã miền núi xây dưng mô hình giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân… để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu năm 2013 mà NQ Trung ương HLV Việt Nam đề ra và chương trình hành động của Thường vụ Tỉnh ủy.

 

Các ông Phan Xuân Hiêm - Chủ tịch HLV Bố Trạch, Nguyễn Xuân Thủn - Chủ tịch HLV Đồng Hới, Dương Đình Lộc - Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, Trần Chí Lâm, PCT UBND huyện Quảng Trạch, Trương Anh Hùng, PCT HLV huyện Minh Hóa cũng đều có chung ý kiến khẳng định, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định HLV tỉnh là một trong những hội đặc thù là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh phong trào đi lên và phát triển. Tuy nhiên, còn có một số phòng tài chính huyện, thành phố không chỉ không quan tâm, mà còn gây khó khăn trong việc thực hiện cấp kinh phí hội hoạt động. Vấn đề này gây bức xúc người dân và dư luận trong Hội.

 

Đề cập vấn đề này, ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, nếu một số huyện, hay đại biểu của thành phố có phát biểu thiếu đồng tình và chưa thực hiện nghiêm túc quyết định trên là không đúng. Việc này đề nghị tỉnh Hội cần có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh và phòng tài chính Đồng Hới trả lời bằng văn bản một cách chuẩn xác và có cơ sở căn cứ.

 

Một số đại biểu huyện Hội cũng cho rằng, có lẽ do nhận thức, quan điểm có trái chiều về Hội, nên phụ cấp, cơ sở vật chất phòng làm việc, bàn ghế…của đa số huyện Hội còn quá thiếu thốn, thậm chí còn tạm bợ hoặc chưa có hoạt động, gây trở ngại không nhỏ đến phong trào chung. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của các ban, ngành và cấp thẩm quyền, nhằm tạo điều kiện cho phong trào của HLV tỉnh ngày càng đi lên và phát triển bền vững, góp phần tích cực vào nhiệm vụ, mục tiêu KT-XH của tỉnh nhà năm 2013 và những năm tiếp theo.

Minh Mẫn
(kinhtenongthon.com.vn)