HLV Việt Nam: Nhiều dự định cho năm mới

Năm 2016, Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam tập trung vào 3 nội dung chính: cải tạo vườn tạp; tập huấn, dạy nghề; và xây dựng những mô hình mẫu có sức lan tỏa mạnh mẽ, bền vững... Từ đà thắng lợi đó, Hội còn “gối đầu” nhiều dự định cho mùa xuân mới Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần.
GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch HLV Việt Nam (người bên phải), thăm mô hình rau an toàn tại xã Đông Sang, Mộc Châu (Sơn La).

Thu bạc tỷ từ vườn tạp

Năm 2016, công tác cải tạo vườn tạp, trồng mới cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tiếp tục được mở rộng, thay thế vườn đa canh, tự túc, tự cấp. Đáng ghi nhận là, phong trào phát triển rộng khắp trên cả nước, từ Bắc vào Nam, từ miền ngược đến miền xuôi. Nổi bật nhất là Hội Nông nghiệp và Ngành nghề nông thôn Sơn La đã cải tạo vườn nhãn thực sinh bằng biện pháp ghép đoạn cành đem lại hiệu quả cao, 1 gốc nhãn bằng 1 sào ngô.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, HLV Bắc Giang đã trồng mới trên 300.000 cây ăn quả các loại có giá trị hàng hóa như: nhãn muộn, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Canh, mít lai, chuối tiêu hồng; cải tạo được 2.850ha diện tích vườn tạp theo hướng lựa chọn 2 -3 loại cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nâng cấp 433ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản. Vận động hội viên sản xuất theo quy trình VietGAP trên 12.560ha vải thiều.  

Ở miền Nam, nổi bật là HLV Trà Vinh, nơi có diện tích vườn trên 30.000ha, nhờ sự năng nổ, tích cực của các cấp Hội, bà con đã cải tạo được trên 267ha vườn tạp, trồng mới gần 97ha cây ăn quả. Vườn tạp Trà Vinh đã chuyển sang vườn cây có giá trị kinh tế cao với những cây đặc sản như xoài Châu Nghệ, măng cụt, cam sành, quýt, thanh long.. Ngoài ra, Trung ương Hội cũng thực hiện nhiều dự án sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với tiêu thụ cho nông dân. 

Cùng với việc cải tạo vườn tạp, công tác tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng được Hội đặc biệt chú trọng. Theo đó, HLV Bắc Giang được giao trực tiếp tổ chức 16 lớp, nhưng nhờ phối  hợp tốt với Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức được hàng trăm lớp.

Tương tự như vậy, HLV Bắc Ninh tổ chức 87 lớp cho 8.760 lượt người về kỹ thuật VAC, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

TP.Đà Nẵng là nơi tổ chức Hội còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, song 6 tháng đầu năm cũng đã tổ chức được 8 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc giống hoa mới, với 400 người tham gia. HLV Đồng Tháp cũng có cách làm như trên, phối hợp với các ban ngành tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt hội viên.

Như vậy là hàng năm, cả nước có hàng chục ngàn hội viên được đào tạo và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế VAC. 

Đáng ghi nhận là, việc xây dựng mô hình VAC ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm được nhiều địa phương quan tâm, nhiều nơi giao cho HLV thực hiện. Điển hình như Thái Nguyên, đã xây dựng được 60 mô hình cánh đồng một giống (thanh long ruột đỏ, bí xanh, cây dược liệu), 81mô hình chăn nuôi, 11 mô hình nuôi trồng thủy sản, 17 mô hình ngành nghề nông thôn bằng nguồn vốn tỉnh giao.

HLV và Trang trại Thanh Hóa cũng được giao nhiều dự án áp dụng khoa học công nghệ như: nuôi chim bồ câu Pháp trên đệm lót sinh học; máy cấy kéo tay. Đặc biệt, những mô hình do Hội xây dựng có sức lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều địa phương.                          

Đặc biệt, để “gối đầu” công việc của năm 2017, những ngày áp Tết Dương lịch, HLV Việt Nam đã cùng với HLV và Trang trại Hà Tĩnh, Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) Hà Tĩnh; Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo mô hình vườn mẫu (theo hướng hữu cơ), trong khuôn viên hộ gia đình. Hiện, Hội đang nhân rộng mô hình ở các tỉnh phía Bắc, dự kiến, năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ tiến hành ở phía Nam, tạo sự chuyển hướng mới về chất trong phong trào phát triển kinh tế VAC giai đoạn mới. Đây là hướng đi đúng đắn, bổ sung thêm tiêu chí thứ 20 cho bộ tiêu chí XDNTM mà Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu, được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Gắn công tác Hội với thực tế

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, GS.TS.Ngô Thế Dân, cho biết: “Năm 2016, ngân sách Nhà nước thâm hụt, nợ công tăng, có những thay đổi về chính sách với tổ chức xã hội nghề nghiệp, vì vậy, tổ chức Hội ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là các hội không được xếp đặc thù. Song, nhờ sự nỗ lực vận động nên các cấp Hội vẫn duy trì và phát triển tốt. Mặt khác, do nhận thức về việc lập và phát triển quỹ Hội để đảm bảo hoạt động là yếu tố sống còn của tổ chức Hội nên nhiều đơn vị đã lập được quỹ từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng. Đảm bảo kinh phí sinh hoạt, tham quan học tập; cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh... Đơn cử như HLV huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp); huyện Kiến Thụy (Hải Phòng); HLV Đình Bảng (thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh),... chỉ là đơn vị cấp phường nhưng đã có số vốn lên tới hàng tỷ đồng...Hoặc, tổ chức Hội ở những xã đặc biệt khó khăn như Cư Mian (Ea Sup - Đắk Lắk), 6 tháng đầu năm 2016, nhờ các hoạt động dịch vụ, đã tăng quỹ Hội từ 200 triệu đồng (năm 2015) lên 300 triệu đồng”.

Ông Dân cho biết thêm, ngoài việc tích cực gây quỹ, 6 tháng đầu năm 2016, HLV 22 tỉnh, thành phố đã phát triển được 51 tổ chức Hội, chi Hội cấp xã; kết nạp trên 4.500 hội viên. Tiêu biểu là HLV Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đắk Lắk, Trà Vinh, Đồng Tháp. Những đơn vị kết nạp thêm nhiều tổ chức Hội ở cấp xã, thôn, bản là: Thanh Hóa, Trà Vinh, Bắc Ninh... Đáng ghi nhận là, mặc dù khó khăn, nhưng một số hội địa phương vẫn nỗ lực để được giao thực hiện đề tài, dự án trong nước và tổ chức quốc tế như: Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Trung ương Hội tiếp tục thực hiện các dự án Bộ Nông nghiệp và PTNT giao phó.  

Một nét mới nữa trong công tác Hội năm 2017 và cả giai đoạn là, củng cố, sắp xếp lại tổ chức theo hướng trẻ hóa lãnh đạo Hội. Vì vậy, sẽ kết nạp thêm những cán bộ ở cơ quan nhà nước; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe, tâm huyết, có năng lực chuyên môn và thông thạo ngoại ngữ, để cùng Hội xốc lại phong trào, đưa hội tiến lên một bước mới, xứng đáng là một hội nghề nghiệp vững mạnh. Trước mắt, công việc thường ngày của Hội vẫn là xúc tiến các đơn vị tổ chức đại hội đúng nhiệm kỳ; thực hiện nghị quyết liên tịch giữa Hội và Bộ Nông nghiệp và PTNT đến 2020 (đã thực hiện được 3 năm), cần phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cho thời gian còn lại; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tốt Diễn đàn kinh tế vườn; có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa nội dung vườn mẫu vào chương trình XDNTM...

Xuân mới đã hối hả bên thềm, chúc cho những dự định của Hội Làm vườn Việt Nam và bà con hội viên sớm thành hiện thực.

    Theo Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn