HTX Nhị Mỹ: Nuôi tôm sạch, bảo vệ môi trường

Tận dụng những thế mạnh sẵn có của địa phương, HTX Nhị Mỹ (Cao Lãnh - Đồng Tháp) đã mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các thành viên, nhờ nuôi tôm càng xanh theo chuẩn VietGAP.

Đi lên từ mô hình Tổ hợp tác, đến năm 2015, HTX Nhị Mỹ ra đời, tiếp tục áp dụng những phương pháp sản xuất tiên tiến vào phát triển thủy sản. HTX hiện có 52 thành viên với 160ha nuôi tôm càng xanh.

Nuôi tôm VietGap

Tôm càng xanh là vật nuôi phù hợp với độ mặn 4 - 10 phần nghìn. Giá trị kinh tế của tôm càng xanh mang lại cao, ít vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ tốt. Đây là những tín hiệu tích cực để HTX phát triển mô hình sản xuất.

Tháng 5/2015, HTX ra đời, bước đầu huy động vốn điều lệ được hơn 100 triệu đồng, kinh doanh trên lĩnh vực liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm, dịch vụ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y cho các thành viên.

Được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, HTX đã thực hiện nghiêm túc từ khâu chọn con giống, kỹ thuật xử lý ao, thả con giống và chăm sóc tôm nuôi theo từng giai đoạn đến khi thu hoạch, đã giúp giảm thiểu dịch bệnh, giảm chi phí, năng suất đạt xấp xỉ 5 tấn/ha/vụ, tăng gần gấp 3 lần so với nuôi tôm không theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau 80 ngày nuôi thu hoạch tỉa, tôm đạt kích cỡ 40 con/kg, nuôi đến 90 ngày sẽ được thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 33 con/kg. Trung bình mỗi năm, sản lượng tôm thu được đạt 35 tấn, trừ chi phí, HTX còn lãi khoảng 3 tỷ đồng.

Tôm càng xanh của HTX đã được Tổng cục Thủy sản và Quacert (Trung tâm chứng nhận phù hợp) cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 150 tấn/năm, bảo đảm chất lượng cung cấp ra thị trường.

HTX hiện có 160ha nuôi tôm càng xanh

Phòng chống dịch bệnh

Các loại bệnh ở tôm càng xanh thường xảy ra do việc xử lý nước, điều kiện vệ sinh và chăm sóc kém, mật độ nuôi cao. Để phòng chống dịch bệnh, sau mỗi vụ thu hoạch, HTX tiến hành tháo cạn nước ở ao nuôi và ao chứa để loại bỏ các địch hại có trong ao (cua, ốc, côn trùng, cá tạp…); vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp, thoát nước.

Vì ao nuôi của HTX là ao nền đất, nên trước khi nuôi, ao được bón vôi bột nông nghiệp và phơi đáy. Ao cũng được bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH.

Nguồn nước cấp vào ao đều được diệt khuẩn bằng chế phẩm vi sinh sao cho bảo đảm độ cứng thấp, giúp tôm lột xác nhanh cứng vỏ.

Ông Bùi Văn Nắm - Giám đốc HTX, cho biết HTX có hẳn một khu ao để thải nước, bùn sau thu hoạch, việc này giúp hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trong nước, bùn nuôi tôm vẫn có thể xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3, nếu thải thẳng ra môi trường có nguồn đất phèn tiềm tàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và vùng nuôi thủy sản lân cận.

Để hạn chế bệnh đóng rong, HTX đã quan tâm đến nguồn thức ăn, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, làm thời gian lột xác của tôm càng xanh đúng theo quy trình. Đặc biệt, HTX không sử dụng thuốc kháng sinh, để bảo đảm chất lượng tôm đã ký kết với các doanh nghiệp.

Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm đã tạo môi trường thuận lợi để tôm phát triển, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Với mong muốn phát triển sản xuất, mở rộng diện tích, đem lại hiệu quả hơn nữa trong nuôi tôm, HTX đang đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

HTX ký kết với các công ty bao tiêu tôm với giá ổn định. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, HTX đã tăng cường tập hợp thêm các hộ nuôi tôm, phối hợp với các nhà chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cho nông dân.

HTX luôn tìm hiểu kỹ thị trường, cùng người dân sản xuất theo quy trình, không mở rộng diện tích ồ ạt dẫn đến mất giá, thua lỗ.

Mô hình nuôi tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX đã góp phần lớn vào phát triển nông nghiệp thủy sản của địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sản xuất.

Như Yến
http://thoibaokinhdoanh.vn