Hà Giang huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Ðến nay tỉnh Hà Giang đã có 115 trong tổng số 176 xã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới. Ðể thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hà Giang chú trọng lồng ghép vốn các dự án gắn với huy động các nguồn lực trong nhân dân. Nhờ đó, nhân dân đã quyên góp 59 tỷ 789 triệu đồng, tự nguyện hiến 448.655 m2 đất, đóng góp hơn 845 nghìn ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới.

 

Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XI của Ðảng đến nay, tỉnh đã làm gần 300 km đường giao thông nông thôn, xây mới hơn 9.200 công trình vệ sinh, 4.494 bể nước, di dời 14 nghìn chuồng, trại chăn nuôi ra xa khu dân cư. Ðồng thời với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Hà Giang đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo việc làm cho bà con nông dân. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Bình quân ba năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,35%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 14,6 triệu đồng, tăng 5,82 triệu đồng so với năm 2010. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,5%.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang gắn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo bền vững; phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người lên 900 USD/năm vào năm 2015.

Tỉnh Trà Vinh đang vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các tổ sản xuất lúa thực hiện mô hình thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật tại 19 mô hình cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn 3.200 ha. Ðây là mô hình thực hiện thí điểm một năm qua đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức của nông dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chính mình.

Năm 2013, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh đã phối hợp cùng Công ty Thuốc bảo vệ thực vật An Giang xây dựng 24 điểm thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích gần 650 ha tại hai cánh đồng mẫu lớn thuộc xã Phước Hưng, huyện Trà Cú và xã Ða Lộc, huyện Châu Thành. Các điểm thu gom rác được xây dựng bằng những bể bê- tông hình tròn, có nắp đậy, đặt dọc các tuyến đường nội đồng. Sau khi sử dụng, các loại rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, như: chai lọ, bao bì... được nông dân bỏ vào bể chứa. Khi kết thúc mùa vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp Công ty Thuốc bảo vệ thực vật An Giang thu gom và xử lý tiêu hủy đúng theo quy định.

PV VÀ TTXVN
Nguồn nhandan.org.vn