Hà Giang xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư "

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Ban chỉ đạo Trung ương, tỉnh Hà Giang đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2011 sẽ hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 40 xã điểm của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chủ trương của tỉnh là Xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ".

 

Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 1 thành phố và 10 huyện, toàn tỉnh có 178 xã, 5 phường, 12 thị trấn, trong đó có 123 xã đặc biệt khó khăn. Khu vực nông thôn có tới 87,3% dân số và 40% lao động đang sinh sống và làm việc. Thực hiện mục tiêu Xây dựng nông thôn mới Hà Giang phấn đấu có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý; gắn nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch, quy tụ dân cư, xây dựng làng văn hóa; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao. 
Hà Giang đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí và 49 nội dung chi tiết (tăng 10 nội dung chi tiết so với Trung ương quy định). Trên cơ sở bộ tiêu chí này, tỉnh đã phân loại từng tiêu chí do nhân dân tự làm; Nhà nước và nhân dân cùng làm; Nhà nước đầu tư 100% để có phương án bố trí nguồn lực và triển khai thực hiện. Chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới như công tác tuyên truyền, đào tạo, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỉnh đã lựa chọn 3 xã điểm là xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên) và xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) để tổ chức thực hiện thí điểm và nhân ra diện rộng. 

Với tổng nguồn vốn 25.004 triệu đồng, năm 2011 tỉnh dự kiến phân bổ nguồn vốn thực hiện các nội dung: Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chương trình, công tác tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 xã điểm. Phân bổ vốn thuộc nguồn vốn ưu đãi tín dụng cho 40 xã điểm của các huyện, thành phố, mỗi xã 500 triệu đồng để thực hiện các tiêu chí đã chọn. Hỗ trợ 10.000 tấn xi măng cho 40 xã trên địa bàn tỉnh thực hiện các tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm.

 

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, đến nay 40 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới điểm trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã cơ bản hoàn thành xong quy hoạch. Tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí không phải đầu tư kinh phí, đầu tư ít kinh phí và những tiêu chí huy động được sự đóng góp của cộng đồng, người dân. Nhiều hạng mục được ưu tiên triển khai như: làm đường liên thôn, liên gia; làm công trình thủy lợi, làm công trình vệ sinh, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà. Tính đến ngày 20/4/2011, toàn tỉnh đã làm mới và nâng cấp 35,8 km đường liên thôn; làm mới 28,7 km kênh mương; 19 km đường điện hạ thế; 4 nhà mẫu giáo; cấp nước sinh hoạt cho 200 hộ; làm mới 5 nhà văn hóa thôn; chính trang 1.300 khuôn viên hộ gia đình; cải tạo 750 vườn hộ; hỗ trợ 870 hộ gia đình làm nhà vệ sinh; hỗ trợ di chuyển 21 chuồng trại gia súc hộ gia đình ra xa nhà... Qua quá trình triển khai, một số địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo như: Việc tập trung làm công tác quy hoạch ở huyện Yên Minh; Phân rõ trách nhiệm và số lượng nhiệm vụ cụ thể cùng từng cấp, từng cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện ở huyện Bắc Mê.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua triển khai tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang vẫn còn gặp không ít những khó khăn như: Nhu cầu đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn lớn song khả năng đáp ứng của các nguồn lực còn thấp. Cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ. Chưa có bộ tiêu chí chuẩn để thực hiện. Khu vực nông thôn Hà Giang nhất là miền núi có địa hình phức tạp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và chịu nhiều tác động của thiên tai. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ khu vực nông thôn còn hạn chế. Chưa phát huy vai trò chủ thể của cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới Hà Giang trở thành "Diện mạo mới - Nông nghiệp mới - Nông gia mới", trong năm 2011 Hà Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức phong phú. Triển khai đề án nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư " gắn với xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành công tác quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới ở các xã. Xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh nhằm thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới. Triển khai công tác đào tạo, tập huấn hệ thống cán bộ tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Hà Giang phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã (40 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; 100% số hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố, không có nhà ở tạm bợ dột nát; 70% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; không còn hộ sống rải rác trên các triền núi cao và vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở; thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 1,2 đến 1,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo các xã giảm dần từ 8% đến 10%; 70% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh, có chuồng trại gia súc xa nhà... tạo nên môi trường sống trong nông thôn ở Hà Giang khang trang, sạch đẹp, giàu bản sắc dân tộc./. 

Theo TTXVN