Hà Nam cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước tại Hà Nam dành nguồn vốn cho vay các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Hỗ trợ đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa.

Thực hiện Chương trình, ngành ngân hàng tỉnh Hà Nam mở rộng đầu tư tín dụng theo hướng ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Hà Nam. 

Các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước dành nguồn vốn cho vay các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông quảng cáo về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. 

Các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng đủ điều kiện tiếp cận vốn vay đảm bảo công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động đáp ứng nhu cầu vốn cho các khách hàng đảm bảo vốn cho vay hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, địa phương triển khai nhiều giải pháp; trong đó, có chủ trương tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, nông nghiệp sạch. Thời gian qua, ngành ngân hàng đóng góp tích cực, đáp ứng nguồn vốn cho đầu tư phát triển chung của tỉnh. 

Tuy nhiên, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; đối tượng cho vay mới chủ yếu là các hộ cá thể; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn còn ít. Vì vậy, ngành ngân hàng tiếp tục đổi mới chiến lược kinh doanh, ưu tiên vốn vay cho phát triển nông nghiệp với mức lãi suất thấp nhất. 

Đối với các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khi được vay vốn phải sử dụng vốn vay hiệu quả thông qua việc thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản sạch Hà Nam. Đồng thời, làm tốt công tác thị trường và dự báo thị trường, coi trọng sản xuất theo chuỗi liên kết, thực hiện nghiêm để sản xuất ngày càng phát triển. 

Theo ông Đặng Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam, kết quả cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đến nay đạt hơn 7.850 tỷ đồng, chiếm 34,03% tổng dự nợ. Chiếm tỷ trọng cao trong dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình (chiếm 75,1%). 

Nông nghiệp hiện vẫn là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả bếp bênh…, mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh còn đơn lẻ, thủ công, manh mún, kỹ thuật canh tác thấp chưa hình hành được chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, hiệu quả sản xuất còn thấp. 

Việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa đáp ứng được kỳ vọng nên nhà đầu tư chưa yên tâm khi bỏ vốn đầu tư, tín dụng ngân hàng còn tiềm ẩn những rủi ro nhất định./.