Hà Nam tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị cao

Hà Nam tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị cao
Ngày 25/12, tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện phát triển chăn nuôi, thủy sản; phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2019, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2019, công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản được thực hiện quyết liệt, kịp thời ngay từ đầu năm. Các cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh rõ ràng, minh bạch và được phổ biến sâu rộng.
Công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai đúng thời vụ, đúng đối tượng và đúng quy trình. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi được tập trung chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở nên hiện dịch bệnh đã cơ bản được khống chế.
 

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến phát biểu tại hội nghị 

Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh ước đạt 370.000 con, giảm 21,3% với ước thực hiện năm 2018, đạt 74% kế hoạch. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng bằng 89% so với cùng kỳ 2018. Đàn gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, với tổng đàn ước đạt 6,78 triệu con, tăng 19,2% so với thực hiện năm 2018, đạt 99% so với kế hoạch. Đàn trâu bò phát triển chậm, tổng đàn trâu ước đạt 3.600 con, bò hướng thịt đạt 27.991 con, tăng 3,8% kế hoạch. Riêng kế hoạch phát triển đàn bò sữa chưa đạt so với mục tiêu của đề án, tổng đàn bò sữa hiện có 3.667 con, đạt 18,4% đề án. Năm 2019, chăn nuôi đóng góp 3.416,8 tỷ đồng vào tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
 
Các đại biểu cũng nêu lên một số tồn tại trong công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản như: mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi phát triển chậm; tổ chức giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm ở một số địa phương có lúc, có nơi còn lơ là và chậm; công tác thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trước khi tiêm phòng ở một số địa phương còn chưa sát thực tế; thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi; việc tái đàn phát triển chăn nuôi tại những xã đã công bố hết dịch (nơi đủ điều kiện) còn chậm; mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi còn ít; chăn nuôi phân tán gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh…
ga_hnam.jpg

 

Năm 2020, tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao như: bò sữa, bò sinh sản, bò thịt, gà Móng Tiên Phong, gà, vịt siêu thịt, siêu trứng; tiếp tục kiểm soát, khống chế, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả; kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm; quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cho vật nuôi, con người và cung ứng nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng…
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2020 có đàn lợn giữ vững ổn định 400.000 con, tăng 17,2%; đàn bò sữa 4.200 con, tăng 16,7%; đàn bò hướng thịt là 32.000 con, tăng 4,6%; đàn gia cầm đạt 7,5 triệu con, tăng 7,1%, so với ước thực hiện năm 2019; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 3,520 tỷ đồng, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2019; tổng diện; tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 780 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,3%...
 
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định, Hà Nam đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp; công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được chỉ đạo quyết liệt. Do vậy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi vẫn tăng so với năm 2018.
 

 Ảnh minh họa 

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị ngành nông nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch tổng kết các đề án phát triển chăn nuôi; thường xuyên giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, phát triển đàn vật nuôi đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân; yêu cầu các địa phương cần nhanh chóng công bố hết dịch đúng với thực tế, tạo tâm lý yên tâm cho người dân tái đàn lợn. 
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm tham mưu cho UBND tỉnh các cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi. Các huyện, thành phố bám sát kế hoạch của tỉnh triển khai có hiệu quả ở mức cao nhất các đề án, tập trung vào đề án phát triển bò thịt, bò sinh sản, nuôi cá sông trong ao, gia cầm; khẩn trương hoàn thành quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung.
Theo Hà Nam/kinhtenongthon.vn