Hà Nam thành công trong tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Hà Nam thành công trong tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Trong xây dựng nông thôn mới, việc huy động nguồn vốn có lẽ là khâu quan trọng và “nặng nề” nhất, bởi ngân sách các cấp rất hạn hẹp, mà nhu cầu về nguồn lực lại lớn. Song, với những giải pháp huy động vốn hiệu quả, chỉ trong 6 năm, Hà Nam từ một tỉnh có nguồn lực yếu đã trở thành điểm sáng, viết nên nhiều câu chuyện như cổ tích trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Bừng sáng bức tranh nông thôn

Tính đến hết năm 2017, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Nam (từ ngân sách Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, vốn tín dụng và đóng góp của nhân dân…) đạt con số đầy ấn tượng với khoảng 9.419 tỷ đồng.

Nguồn vốn này đã hóa thân vào các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo bước ngoặt căn bản, làm bừng sáng bức tranh nông thôn từ nhà ra đồng, thay đổi hoàn toàn diện mạo của nông thôn Hà Nam - vùng đất từng gắn liền với cụm từ  “chiêm khê mùa trũng”.

Ngành tài chính Hà Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ngành Tài chính Hà Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Xin nêu một số vài con số. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh Hà Nam có 78/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện (Duy Tiên, Kim Bảng) đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, trong đó, huyện Duy Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận vào tháng 5/2018. Những kết quả này vượt xa mục tiêu “đến năm 2015 có 27 xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới” mà Nghị quyết 03/NQ/TU ngày 21/4/2011 của Tỉnh ủy Hà Nam đã đặt ra.

Toàn tỉnh đã cứng hóa 950 km đường trục chính nội đồng, làm mới xấp xỉ 1.900 km đường giao thông nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh (gồm đường trục xã, liên xã; đường thôn, xóm, ngõ xóm) và đường trục chính nội đồng đã cơ bản đạt chuẩn quy định của Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh. Hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, phòng chống thiên tai. Hệ thống điện, thông tin và truyền thông cơ bản đã đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, 6 năm qua, Hà Nam đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 2.759 phòng học; 42 nhà văn hóa xã, 567 nhà văn hóa thôn, xóm, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân.

Trên nền tảng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn Hà Nam chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân đem lại hiệu quả kinh tế cao như Mô hình Tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất theo chuỗi; Mô hình Nuôi ngan, vịt an toàn sinh học tại huyện Duy Tiên.

Các đề án như Chăn nuôi bò sữa; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào sản xuất ổn định tại khu Nhân Khang và Xuân Khê - Nhân Bình; Mô hình Sản xuất rau, củ, quả phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; Mô hình Hợp tác xã liên kết nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Chân Lý (huyện Lý Nhân) và Văn Xá (huyện Kim Bảng), sản xuất nông sản sạch tại xã Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân)… đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ đó, 94/98 xã của Hà Nam đã đạt tiêu chí thu nhập từ 37 triệu đồng/người/năm trở lên; 93/98 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất; 95/98 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,68% trong năm 2011 xuống còn 3,44% năm 2017. Hàng loạt tiêu chí khác cũng rất ấn tượng, như tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt trên 90%; 98/98 xã đạt chuẩn về tiêu chí giáo dục; 97/98 xã đạt tiêu chí văn hóa; 90% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 86/98 xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường.

Chúng tôi đã có dịp đến thăm huyện Duy Tiên; huyện Kim Bảng; xã Công Lý, xã Nhân Bình (huyện Lý Nhân); xã Tiêu Động, xã Trung Lương (huyện Bình Lục)... cùng nhiều xã trong tỉnh. Những con đường nhỏ bé, quanh co lầy lội, gồ ghề trước đây đã được thay bằng những con đường bê tông rộng rãi. Giữa làng quê, nhiều ngôi nhà mái bằng 2, 3 tầng khang trang, đẹp mắt đã mọc lên. Một cuộc sống bình yên, lành mạnh, giàu có đang hiện dần trên khắp nông thôn Hà Nam.

Tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Có được những thành quả nói trên, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Nam đã quán triệt nghiêm túc và triển khai kịp thời, quyết liệt các Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh uỷ; Kế hoạch của UBND tỉnh trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã xây dựng được cơ chế, tiêu chí hỗ trợ cho từng lĩnh vực, đối tượng để vận dụng hợp lý; đồng thời, nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của nhân dân, trong đó có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu góp công, góp của, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phải kể đển sự tham mưu, hướng dẫn thực hiện đồng bộ của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là sự tham mưu tích cực, kịp thời của ngành tài chính Hà Nam.

Trên cơ sở Đề án Xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đã được ban hành, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới, hạn chế thấp nhất nợ đọng xây dựng cơ bản, chủ động dành nguồn tài chính để hỗ trợ nông thôn mới ngay từ khi xây dựng và phân bổ kế hoạch dự toán năm sau.

Sở cũng đã tích cực tham mưu các giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho các huyện, các xã xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, kết quả thu ngân sách nhà nước của Hà Nam từ năm 2011 - 2017 liên tục hoàn thành vượt dự toán được giao, tốc độ tăng thu bình quân đạt 22%, nâng mức tổng thu cân đối ngân sách từ 1.978 tỷ đồng (năm 2011) lên 6.254 tỷ đồng (năm 2017). Đây là kết quả mang tính đột phá mạnh mẽ, tạo nguồn lực tổng hợp lớn, là nền tảng vững chắc và trụ cột cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam trong 6 năm qua.

Ngoài ra, Sở Tài chính còn tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường phân cấp nguồn thu cho các huyện, các xã chủ động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, gắn trách nhiệm trong quản lý nguồn thu. Đơn cử, giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Hà Nam đã dành cho cấp xã 60% tiền đấu giá quyền sử dụng đất và giai đoạn 2017 - 2010 là 80%, tạo động lực và nguồn lực cho các xã về đích nông thôn mới.

Hàng năm, cơ quan tài chính đã tham mưu cho tỉnh dành nguồn tài chính, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm; hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Mặt khác, ngành tài chính đã tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. Các nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng có hiệu quả theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Những thành quả đầy ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam đã cho thấy, khi đường lối, chủ trương hợp với lòng dân, vì dân, vì quê hương, đất nước, thì nhất định sẽ mang đến thành công.

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 - 2017, tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản triển khai các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng nguồn lực như: Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 21/4/2011 của Tỉnh ủy Hà Nam về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam đến năm 2020; Kế hoạch số 547/KH-UBND ngày 13/5/2011 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 03/NQ/TU; Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 24/5/2011 của UBND tỉnh với các nội dung hỗ trợ đường giao thông thôn xóm, đường trục chính nội đồng, hỗ trợ mua máy nông nghiệp, hỗ trợ dồn điển đổi thửa, hỗ trợ xây dựng trường học, nhà văn hoá thôn, xóm, nhà văn hoá xã, hỗ trợ đệm lót sinh học và hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn…; Quyết định số 1321/2014/QĐ-UBND ngày 10/11/2014, xác định xã đặc biệt khó khăn, xã khó khăn và có cơ chế hỗ trợ đặc biệt…
Theo Lã Quý Hưng/baodautu.vn