Hà Nội - Đầu tàu xây dựng Nông thôn mới

Hà Nội - Đầu tàu xây dựng Nông thôn mới
Hà Nội đã có 141 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), chiếm trên 10% số xã đạt chuẩn của cả nước. Đến nay, Hà Nội đã có 81 xã hoàn thành xây dựng NTM, đề nghị Thành phố công nhận trong năm 2015; 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đã đủ điều kiện, đã đề nghị Chính phủ công nhận huyện NTM. Thể hiện sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và toàn thể người dân.

Nhiều thành tựu lớn

Đến nay, sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, Hà Nội đã đạt mục tiêu đề ra với: 121/401 xã đạt chuẩn (đạt 30,17%).

Năm 2015, các huyện, thị xã đăng ký với tổng số 103 xã đạt chuẩn NTM, qua thẩm định, kiểm tra dự kiến năm 2015 toàn Thành phố có 179/386 xã (đạt 46,4%), vượt kế hoạch đến năm 2015 là 4,6%. Đặc biệt, huyện Đan Phượng đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và Hà Nội phấn đấu có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2015.

Cùng đó, nhiều chuyển biến về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu Chương trình đề ra. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hóa 100%; đường trục thôn, liên thôn cứng hóa 95%; hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu đạt 67%; có tổ chức thu gom rác thải đạt 98%; tỷ lệ thôn có điện đạt 100%; tỷ lệ số dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh 94,2% (36,68% số dân được dùng nước sạch).

Với tiêu chí văn hóa, đã có 54,5% thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; tỷ lệ thôn xóm, cụm dân cư có Nhà văn hóa - thể thao đạt 80,5%; 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

hà nội đầu tàu xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thăm mô hình xây dựng NTM tại Yên Sở - Ảnh: CTV

Về tỷ lệ hộ nghèo, đến nay số hộ nghèo toàn Thành phố còn 34.409, giảm 81.648 so năm 2011 (116.057); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,91% (giảm 5,61% so năm 2011). Trong đó, khu vực nông thôn giảm từ 172.850 hộ nghèo (năm 2011) xuống còn 28.528 hộ (năm 2014).  Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; thu nhập bình quân đầu người nông thôn tăng từ 14 triệu đồng/năm 2011 lên 28,6 triệu đồng/năm 2014 (vượt 3,6 triệu đồng so mục tiêu đề ra năm 2015); dự kiến hết năm 2015 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.

Từ năm 2011 đến 2014, Thành phố tổ chức 2.930 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 99.037 lượt người tham gia; 72,9% lao động nông thôn làm đúng  nghề được đào tạo; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 87%; mỗi năm, Thành phố giải quyết thêm việc làm cho 136.500 - 140.000 lượt người lao động nông thôn…

 

Vượt qua khó khăn

Bên cạnh những thành quả tích cực trên nhiều phương diện, công tác xây dựng NTM Hà Nội những năm qua còn không ít khó khăn. Số xã hoàn thành NTM ở các huyện chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã vượt chỉ tiêu phấn đấu thì một số huyện kết quả thấp, như: Mỹ Đức 1/21 xã (4,8%), Ba Vì 3/30 xã (10%), Ứng Hòa 3/28 xã (10,7%), Phú Xuyên 3/26 xã (11,5%)… Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số cơ sở còn hạn chế; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ nội dung, phương pháp, cách làm, chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa chú ý các tiêu chí khác, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị. Cùng đó, nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM còn hạn hẹp, chủ yếu vẫn đầu tư từ ngân sách nhà nước, công tác đấu giá đất còn gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, thu hút nguồn lực xã hội chưa được nhiều.

Các xã khi mới bắt tay triển khai thực hiện các tiêu chí còn lúng túng, việc lập đề án còn chưa sát thực tế nên nhiều xã phải điều chỉnh đề án. Việc huy động vốn dân, doanh nghiệp còn hạn chế; các dự án phát triển sản xuất chậm triển khai nên hiệu quả còn thấp…

 

Huy động các nguồn lực

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết; Thời gian tới, Hà Nội sẽ huy động nhiều nữa các nguồn lực tham gia xây dựng NTM; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nông dân.

Ông Hồ Xuân Hùng, cố vấn Ban chỉ đạo trung ương Chương trình Xây dựng NTM, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng Hà Nội là trung tâm của cả nước, lượng nông sản, thủy sản tiêu thụ lớn; do vậy cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các địa phương khác trong tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân. Cùng đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cùng nỗ lực giúp Hà Nội xây dựng NTM. Ngoài ra, cần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; đồng thời phải xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp cho riêng mình.

bà ngô thị thanh hằng phó bí thư thường trực thành ủy hà nội>> Về hướng phát triển đến năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Hà Nội sẽ tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao và bền vững. Tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng NTM, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất của người dân, phấn đấu có hơn 70% số xã đạt tiêu chí quốc gia.

Vân Anh 

Nguồn: thuỷ sản việt nam