Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu

HNP - Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu và được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội đã trao đổi để làm rõ hơn về vấn đề này.
 

* Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của Hà Nội đã đạt được?

* Có thể nói, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của Hà Nội là rất lớn. Đến nay, ngoài 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức) được công nhận đạt chuẩn NTM, thành phố đã hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện Gia Lâm, Quốc Oai đạt chuẩn NTM năm 2018. Cùng với đó, thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ trình công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Thạch Thất công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2019. Đến nay, có 325/386 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra và 3 xã (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.

Trong số 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM có 9 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất nằm trong quy hoạch khu đô thị Công nghệ cao Hòa Lạc nên không tiến hành xây dựng NTM.

* Bộ mặt NTM đã đổi thay một cách toàn diện, từng bước phát triển theo quy hoạch, vậy đời sống của nông dân Hà Nội được cải thiện ra sao, thưa ông?

* Thông qua xây dựng NTM đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể. Sản xuất nông nghiệp và ngành nghề đã đạt được hiệu quả nhất định. Sau dồn điền đổi thửa, trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đã tập trung chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang các loại cây trồng phù hợp bằng biện pháp đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào thay thế các cây trồng không phù hợp. Ở nhiều nơi, đã vận động các nông hộ cải tạo vườn tạp để xây dựng những vườn cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Việc phát triển đa dạng hóa các làng nghề cũng được chú trọng, quan tâm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống chỉ còn 1,81%. Các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần được các địa phương rất quan tâm, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện đường có hoa, nhà có số, phố có tên rất tốt, như: Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên...

* Vậy hiện nay trong xây dựng NTM của thành phố có còn gặp những khó khăn mà cần sớm phải tháo gỡ, thưa ông?

* Trong quá trình xây dựng NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Từ thực tế luôn phát sinh những vấn đề đòi hỏi các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở luôn luôn phải tiếp thu, xem xét tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đơn cử, hiện nay, tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã và lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn của các xã theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 1/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn còn rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai ở khu vực nông thôn cũng còn những hạn chế. Công tác vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của thành phố còn chậm.

Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn. Một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tương đối cao so với bình quân chung của thành phố, như: Ba Vì (3,18%), Mỹ Đức (2,84%), Chương Mỹ (2,48%). Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị ở  một số huyện còn thấp như: Ứng Hòa mới đạt 32%, Mỹ Đức 33%..., trong khi bình quân khu vực nông thôn của thành phố là 57%.

* Thưa ông, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, vậy từ nay đến cuối năm 2019, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì?

* Nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, khối lượng công việc rất nhiều. Trước mắt, chúng tôi đang tập trung chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy nhằm đánh giá kết quả, tồn tại hạn chế, đúc rút bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân trong thời gian tới. Song hành, chúng tôi tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện Gia Lâm, Quốc Oai đạt chuẩn NTM năm 2018, thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019, huyện Thạch Thất đạt chuẩn NTM năm 2019; ngoài ra, phấn đấu tăng thêm 30 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi rất quan tâm là triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020. Riêng năm 2019, phấn đấu tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 300 sản phẩm trở lên. Trong đó, có từ 150 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, lựa chọn 30 sản phẩm trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định công nhận sản phẩm cấp quốc gia…

Xin cảm ơn ông!


Theo Minh Huệ/hanoi.gov.vn