“Hà Nội đã đóng góp kinh nghiệm hay cho cả nước về xây dựng nông thôn mới”

“Hà Nội đã đóng góp kinh nghiệm hay cho cả nước về xây dựng nông thôn mới”
Đó là ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân diễn ra sáng ngày 21/9/2019, tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và đông đảo các tập thể, hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực. Thành phố đã  vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng NTM với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí hơn 7.200 tỷ đồng, trong đó có trên 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Đến nay, thành phố đã có 06 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn NTM, có 03 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm), các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Gia Lâm 48,9 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng có về cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được nâng cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%.

Thành phố đã xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân. 10 năm qua đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tăng 2.562,6ha so với cuối năm 2015. Mỗi hộ gia đình trước dồn điền đổi thửa trung bình có từ 10 - 15 ô, thửa; thậm chí 27 - 39 ô, thửa như ở Sóc Sơn, Chương Mỹ... đến nay chủ yếu chỉ còn 1 - 2 ô, thửa tạo thuận lợi cho người dân tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, hầu hết người dân nông thôn Hà Nội tin tưởng hơn vào chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố.

 

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM 

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như: Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thủ đô; Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng thủ đô, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều; Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều; Nguồn lực cho công tác xây dựng NTM chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử ý chất thải rắn, nước thải còn hạn chế, đặc biệt ở một số làng nghề ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn thủ đô đạt 50 triệu đồng /người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt từ 95% - 100%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 85% trở lên.

Để có được những kết quả trên không thể không ghi nhận những cá nhân, tập thể, hộ gia đình, các doanh nghiệp là chủ thể góp phần quan trọng xây dựng NTM. Tại Hội nghị, một số đơn vị, cá nhân cũng đã chia sẻ những kết quả và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Đại diện lãnh đạo huyện Gia Lâm cho biết, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Toàn huyện đã chuyển đổi hơn 1.400 ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong đó có các mô hình như: Sản xuất theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; trồng rau thủy canh xã Đa Tốn; các mô hình cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Kiêu Kỵ; mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng trùn quế tại xã Đặng Xá, Phù Đổng... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, trung bình đạt 306 triệu đồng/ha, có mô hình doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Với định hướng được xác định xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020 - 2025, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung các nhiệm vụ giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm hướng tới mục tiêu: Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.

Anh Phạm Đình Thiện - xã Lại Yên, huyện Hoài Đức chia sẻ về việc "Phát huy vai trò người dân là chủ thể xây dựng NTM". Anh cho biết, từ năm 2012 đến năm 2017 gia đình anh đã hỗ trợ kinh phí và hiến 70m2 đất thổ cư để địa phương mở rộng khuôn viên, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Lăng đá Quận Công Phạm Đôn Nghị; xây dựng cổng Đình Làng... Ước tính, kinh phí gia đình đã đóng góp cho xây dựng nông thôn mới ở xã Lại Yên hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân tại địa phương tham gia làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tại các khu công cộng góp phần giúp diện mạo làng quê được khang trang, sạch đẹp, đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Hà Nội đã đóng góp kinh nghiệm hay cho cả nước về xây dựng NTM. Đây chính là nơi thực hiện chương trình xây dựng NTM với quy mô nhiệm vụ lớn nhất cả nước khi có tới 17 huyện, 386 xã trên diện tích ngoại thành hơn 2.230 km2, với số dân 4,1 triệu người ở nông thôn (hơn 1/2 người dân thủ đô sống ở nông thôn). Chương trình xây dựng NTM của Hà Nội đạt kết quả tích cực, rõ nét, toàn diện, ấn tượng. Đời sống người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, cao hơn mức bình quân cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự là luồng gió đổi mới tích cực cho sự phát triển toàn diện vùng nông thôn thủ đô. Nông thôn Hà Nội trước đây còn nghèo, nay nhà lầu, xe hơi rất nhiều ở ven đô.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP thủ đô 

 

Về một số mặt còn tồn tại trong xây dựng NTM của thành phố, Thủ tướng cho rằng, sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung còn nhỏ bé, quy mô phân tán, đặc biệt là phát triển còn dưới tiềm năng. Môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, người dân một số nơi còn kêu ca về rác thải, nước thải, ô nhiễm không khí. Còn một số trường hợp, vấn đề về đạo đức gia đình, làng xóm đáng lo ngại. Thủ tướng lưu ý, bên cạnh phát huy vị trí trung tâm, đầu tàu ở chức năng đô thị, thành phố Hà Nội cũng cần chú trọng phát triển khu vực nông thôn, ngoại ô, coi đây là hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước.

Thủ tướng Chính phủ dẫn câu ca dao:

 “Xứ Đoài là đất trăm nghề

Đi buôn, làm thợ đuề huề tinh tươm”

Và đề nghị thành phố Hà Nội cần tiếp tục bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa khu vực nông thôn. “Những thôn, những xứ ấy” một miền nông thôn rộng lớn còn nhiều tiềm năng khai thác. Đặc biệt, Hà Nội cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, dịch vụ, về chuỗi giá trị gia tăng, chế biến, đặc biệt là việc tổ chức thương mại nội địa, xuất khẩu.

Thủ tướng lưu ý, nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Phải tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh “đất trăm nghề” gắn chặt với các lễ hội, nét đẹp văn hóa, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển của thủ đô. Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển mạnh mẽ hơn nữa các trung tâm đô thị vệ tinh; xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, quy hoạch thống nhất, không để phá vỡ quy hoạch.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với thành phố Hà Nội xây dựng các mô hình cụ thể để triển khai trên địa bàn thành phố làm cơ sở nhân rộng sau khi tổng kết mô hình.

Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan sâu sắc của Đảng của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội, cần phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội.

Chính phủ tin tưởng rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa trong xây dựng NTM, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân bền vững đúng chức năng là ngọn cờ đầu của cả nước.  Tiếp tục vươn mình phát triển toàn diện về mọi mặt, là hình mẫu của cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó nông thôn Hà Nội cũng phải phấn đấu là hình mẫu, là niềm tự hào của thủ đô nghìn năm văn hiến, là điểm tựa để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tiếp tục bay cao và bay xa.

 

Người dân tham quan trao đổi, mua bán tại Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP thủ đô 

 

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra 02 sự kiện, đó là Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới của thủ đô nhằm trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về thành tựu xây dựng nông thôn mới của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2009 - 2019; và Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP thủ đô (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) với quy mô 170 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP thủ đô và hàng hóa nông sản ứng dụng công nghệ cao như: Dược liệu Sóc Sơn, thịt bò BBB, gạo hữu cơ, rau an toàn, hoa cây cảnh...

 

Thanh Thúy/ Khuyến nông vn