Hà Nội dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới: 4 bí quyết và 6 giải pháp
- Thứ năm - 04/05/2017 20:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thu nhập của người dân vượt mục tiêu 11 triệu đồng/năm
Hà Nội là địa phương đi đầu và dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng NTM, với những kết quả rất nổi bật. Bà có thể đánh giá cụ thể hơn và những kinh nghiệm chủ yếu của Thủ đô trong công tác chỉ đạo triển khai chương trình này?
- Có thể khẳng định, sau hơn 10 năm (2006 - 2016) quán triệt nghiêm túc, tập trung chỉ đạo thực hiện tích cực, quyết liệt Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội khóa XV và XVI về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM đã có bước phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngoại thành ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng (thứ 3 từ trái) thăm mô hình trồng cây ăn quả tại xã Kim An, huyện Thanh Oai. THIÊN TÚ
Đến nay thành phố đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, với tổng diện tích trên 18.500 ha, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt. Đó vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô”. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng |
Trong đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị, hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Năm năm gần đây (2011 - 2015), giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp đạt 2,46%/năm, giá trị sản xuất hiện đã đạt từ 239 triệu đồng/ha, tăng 108 triệu đồng/ha so với 5 năm trước. Cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, chế biến và dịch vụ nông nghiệp (trồng trọt, lâm nghiệp hiện chiếm 40,28%; chăn nuôi, thủy sản 56,71%; dịch vụ 3,01%).
Đặc biệt, công tác xây dựng NTM có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Hà Nội là địa phương đi đầu và là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng NTM, khi kết quả thực hiện các nhóm tiêu chí tổng hợp và các tiêu chí cụ thể đều đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, Hà Nội đã có 2 huyện là Đan Phượng, Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM. Toàn thành phố đã có tổng số 255/386 xã đạt chuẩn NTM.
Thành phố đang tích cực chỉ đạo ráo riết, với nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi để tập trung cho 131 xã còn lại cơ bản đạt chuẩn. Phấn đấu đến cuối năm 2020 Hà Nội sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu có trên 80% số xã trở lên đạt chuẩn.
Những thành tựu về phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản và toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, chất lượng cuộc sống và môi trường ở khu vực nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần nông dân Thủ đô nhìn chung được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gần 2,6 lần, từ 14 triệu đồng (năm 2011), lên 36 triệu đồng (năm 2016), vượt 11 triệu đồng/người/năm so với mục tiêu.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, 100% số trạm y tế xã đã có bác sĩ; các thiết chế văn hóa, cơ sở giáo dục, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 11,3% (năm 2011), giảm xuống còn 3,65% (đầu năm 2016). Hệ thống điện, đường, trường, trạm, các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; nếp sống văn hóa ở các làng, xã có tiến bộ rõ rệt...
Bí quyết và những kinh nghiệm chủ yếu để thủ đô Hà Nội gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận đó là gì?
- Nói về nguyên nhân và kinh nghiệm để thủ đô Hà Nội đạt được những kết quả nổi bật về lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là một vấn đề lớn, có nội hàm rộng, với nhiều nội dung phong phú. Vấn đề này đã được Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc chỉ đạo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm rất nghiêm túc, bài bản sau 5 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy (khóa XV) vào cuối năm 2015 và gần đây là sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy (khóa XVI, tháng 2.2017).
Có thể khái quát một số nguyên nhân và kinh nghiệm chủ yếu sau: Một là, Thành ủy luôn quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của T.Ư, các chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, kịp thời xây dựng các chương trình với lộ trình, cách làm phù hợp, sáng tạo.
Hai là, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, trong từng thời kỳ cụ thể; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá, tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ sâu sát, quyết liệt, dứt điểm, tạo ra bước chuyển biến rõ rệt về lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM của Thủ đô.
Ba là Thành ủy Hà Nội đặc biệt chú trọng và có giải pháp cụ thể, khả thi để chủ động thu hút, phát huy, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, tập trung đầu tư cho lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của vấn đề này nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “toàn dân chung sức xây dựng NTM”, từ tháng 9.2010, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức lễ phát động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ.
Thành ủy và UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện, trong đó có Quyết định số 16 (ngày 6.7.2016) quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng NTM. Sau 5 năm (2011 - 2015), Hà Nội đã huy động được tổng kinh phí gần 34,5 nghìn tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch để triển khai xây dựng NTM.
Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gần 23,6 ngàn tỷ đồng (đạt 186,5% kế hoạch); nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước gồm 10,9 nghìn tỷ đồng (đạt 143% kế hoạch). Thủ đô Hà Nội là một trong số ít địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chủ trương xã hội hóa, chủ động phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là các nguồn lực xã hội, để tập trung đầu tư đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống của nông dân Thủ đô.
Bốn là, với vị thế đặc thù là Thủ đô của đất nước, TP.Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của T.Ư Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội T.Ư; sự ủng hộ, hợp tác tích cực của tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đó vừa là những kinh nghiệm chủ yếu rất quan trọng, vừa là yếu tố quyết định để Đảng bộ Hà Nội nỗ lực phấn đấu, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố nói chung, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân Thủ đô nói riêng.
Kỳ vọng nhiều trong giai đoạn mới
Giai đoạn (2016 - 2020), cùng với đẩy mạnh xây dựng NTM, phát triển sản xuất nông nghiệp cũng là một nhiệm vụ trọng tâm rất quan trọng của Thủ đô. Bà có thể cho biết định hướng phát triển của lĩnh vực này?
- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 02, Thành ủy Hà Nội đã chú trọng tổng kết, đánh giá, đặc biệt là tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm quý báu sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015. Khẳng định những thành tựu đạt được, phân tích, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, từ đó xác định rõ mục tiêu, đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong 5 năm tới (2016 - 2020).
Bám sát mục tiêu Chương trình số 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp trong 5 năm tới theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chủ yếu, 5 năm tới Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ 6 giải pháp trọng tâm sau.
Một là, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện tốt khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”.
Hai là, tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của T.Ư và thành phố đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu, đề xuất, sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Thủ đô, kịp thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Ba là, tăng cường chăm lo công tác đào đạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp và cán bộ quản lý các cấp từ thành phố tới cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân.
Bốn là, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về phát triển sản xuất nông nghiệp, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kiểm tra, kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng các loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Năm là, tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích phát triển và thành lập mới các hợp tác xã chuyên ngành theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Sáu là, thực hiện tốt việc tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân.
Xin cảm ơn bà!
Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm Trao đổi với phóng viên Báo NTNN về những giải pháp cơ bản của Hà Nội để ngăn chặn và giải quyết có hiệu quả tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 10/2016 “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội”. Chỉ thị được phổ biến quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện sâu rộng đến cấp ủy các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội kiểm tra một bếp ăn tập thể. Ảnh: Dương Ngọc Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố xác định tiếp tục phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đoàn thể và của mỗi người dân, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm ở các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố… |