Hà Nội đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND TP. Hà Nội mới ban hành công văn giao các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn thành phố.
Hà Nội đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới

Kiên định mục tiêu

Trong nội dung Công văn số 971/VP-NNNT vừa ban hành, UBND TP. Hà Nội giao các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) để công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Các địa phương phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, tạo thành phong trào trong mọi tầng lớp quần chúng; phải có chương trình, kế hoạch, lộ trình hành động cụ thể; có kiểm tra, đôn đốc, có sơ kết rút kinh nghiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong quá trình triển khai thực hiện nếu địa phương nào có cán bộ thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ cần phải thay thế ngay. Khẩn trương xây dựng kế hoạch Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, làm căn cứ để các địa phương đưa vào văn kiện đại hội Đảng các cấp. Các bộ, ngành liên quan rà soát bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn…

Tăng nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xem xét, tính toán để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời các địa phương chủ động trong việc huy động ngân sách địa phương, các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa và lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí về nông thôn mới. Phải xác định rõ được nhóm tiêu chí cơ bản, hướng dẫn các địa phương theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là vùng khó khăn, đặc thù nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn của các tiêu chí, tránh hình thức, chay đua theo thành tích, để đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân.

Đối với những xã, huyện đã đạt 19 tiêu chí, phải tiếp tục phấn đấu, vươn lên để giữ vững, duy trì và phát triển nông thôn bền vững, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của đất nước. Để đảm bảo phát triển bền vững phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời đại mới của đất nước và để các địa phương không “ngủ quên” trong thành tích, thời gian tới Ban Chỉ đạo tiếp tục xem xét, đưa ra những mức phấn đấu cao hơn để tạo động lực phát triển mới cho những xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Để chương trình bám rễ sâu rộng vào đời sống và các tầng lớp nhân dân, các cấp ủy Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể phải xem Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, từ đó vận động nhân dân thực hiện, đưa phong trào ngày hiệu quả hơn, thực sự là phong trào thi đua lành mạnh của nhân dân, của quần chúng, qua đó đem lại lợi ích thiết thực cho chính người dân. Đồng thời, hết sức quan tâm lưu ý đến việc nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong xây dựng nông thôn mới cũng như kịp thời khen thưởng các điển hình để động viên phong trào, khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc  nâng cao đời sống của chính mình.

Thai Linh
Theo laodong.com.vn