Hà Nội không chạy theo số lượng trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội không chạy theo số lượng trong xây dựng nông thôn mới
Không hình thức mà đi vào thực chất, không số lượng mà đi vào chất lượng, đó chính là định hướng của Hà Nội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) sắp tới…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tặng quà cho các cháu mẫu giáo

Đến hết năm 2015, Hà Nội có 201/386 xã (chiếm 52,07%) đạt chuẩn NTM, vượt 12,07% so với mục tiêu đề ra. Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hết năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, do áp dụng chuẩn nghèo mới, nên hiện nay toàn thành phố chỉ còn 169/386 xã đạt 19 tiêu chí. Ngoài huyện Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay hồ sơ đề nghị của 3 huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh đạt chuẩn đã trình Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương xem xét, trình Chính phủ công nhận trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều vấn đề mà Hà Nội phải đối phó trong việc xây dựng NTM như: Số xã hoàn thành NTM ở các huyện là chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu phấn đấu thì một số huyện kết quả còn thấp là Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.

Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM nên trông chờ ỷ lại cấp trên.

Trong triển khai thực hiện còn chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa chú ý đến các tiêu chí khác, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, việc đấu giá đất ở một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa được nhiều.

Hệ thống hạ tầng kinh tế- kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ. Hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đặc biệt vệ sinh môi trường nông thôn ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề. Có nơi còn biểu hiện chạy theo thành tích mà không đi sâu vào nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Chính vì vậy, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, kế hoạch giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Chương trình 02-CTr/TU diễn ra ngày 20/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình đã định hướng các địa phương không chạy theo số lượng trong xây dựng NTM.

14-45-34_dsc_5075
Một trường mẫu giáo ở huyện ngoại thành Đan Phượng

14-45-34_dsc_5075

 

 

Theo bà, Chương trình 02 vẫn còn một số tồn tại: Nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, tốc độ tái cơ cấu còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa nhiều.

Đối với xây dựng NTM, Thành ủy đặt mục tiêu năm 2016 có 35 xã đạt chuẩn NTM, đến thời điểm hiện nay chỉ có 11 xã đạt nên 6 tháng cuối năm phải tăng tốc hơn vì còn 24 xã.

Để khắc phục, bà Hằng yêu cầu: Phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa. Thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đảm bảo an toàn thực phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích nông dân liên kết sản xuất. Tập trung hỗ trợ giảm nghèo, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho nông dân nhất là về việc ứng dụng công nghệ cao.

Đối với xây dựng NTM, các xã đã hoàn thành NTM chỉ đạo rà soát giữ vững các tiêu chí. 60 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2016 cần rà soát lại để tập trung đầu tư, tránh dàn trải, được xã nào chắc xã đó, không được chạy theo số lượng.
Theo NNVN